Hồ Trường An

Tuyển Tập Biên Khảo Văn Học

 
''Tơ Hồng Vương Vấn'' là một cuốn tiểu thuyết thấm nhuần đạo Phật lấy chuyện luân hồi quả báo làm căn bản để triển khai cái sở trường văn dĩ tải đạo của Hồ Biểu Chánh. Vai chánh là cậu học sinh Phan Vĩnh Xuân sinh vào thời Nho mạt nơi chợ Giồng Ông Huê (Gò Công). Cậu là họ trò của ông Giáo Huân, một thầy đồ Nho khả kính. Cậu được sư phụ mình cho biết vận nước biến suy, dù phải chuyển qua Tây học để gọi là kiếm cơm nuôi mẹ, dù gì thì dù cũng phải giữ tấm lòng chính trực, liêm khiết. Nước mất nhà tan, ham chi hư danh quyền tước để hãnh diện với thiên hạ. Bạn học của cậu là cô Lý Thị Tư, được thầy ban cho cái biệt danh Cúc Hương, vốn là gái chánh trực, lại thông minh, xinh đẹp. Vĩnh Xuân và Cúc Hương yêu nhau, lén lút tư ước với nhau. Cả hai hẹn hò gặp nhau ở nhà chị Hai Tỷ, một phụ nữ Việt kết hôn với tài phú Sấm, người Trung Hoa. Ngờ đâu cha mẹ Cúc Hương tham giàu ép buộc Cúc Hương lấy chàng công tử bột xuất thân gia đình giàu có ở hương thôn. Cúc Hương quyết tâm bỏ sinh mệnh để giữ tròn đạo nghĩa. Truớc ngày vu quy, cô giao 50 đồng bạc cho Hai Tỷ, bảo rằng với số tiền này , cộng với tiền trợ cấp của chánh phủ, Vĩnh Xuân có thể ăn học trong vòng 3 năm cho đến khi thành tài. Cô cũng gửi tấm lụa có viết chữ nho ''Xả Thân Nhi Thủ Nghĩa'' (bỏ thân để giữ tròn đạo nghĩa) cho chàng để chàng nhìn bút tích mà nhớ tới cô. Cô cũng không quên gửi một xấp lãnh và một xấp xuyến cho bà Hương văn Thanh , mẹ của Vĩnh Xuân may quần áo, gọi là quà tặng của cô dâu ...hụt. Cô dặn Hai Tỷ phải khuyên Vĩnh Xuân chí thú ăn học, để cô được toại nguyện. Rồi cô uống nha phiến pha trộn với dấm thanh để tự tử.
Vĩnh Xuân tuy đau khổ nhưng nhờ lời khuyên của ông Giáo Huân và Hai Tỷ nên theo lời dặn của Cúc Hương chí thú ăn học, đậu bằng Thành Chung, rồi thi vô ngành ký lục cũng đậu luôn. Chàng về nhà vào ngày 25 tháng chạp tức là ngày 23 tháng Janvier. Bữa sau chàng đi viếng mộ Cúc Hương thì vào quá 12 giờ khuya, chàng nằm chiêm bao thấy Cúc Hương từ giã chàng đi đầu thai và cho chàng biết kiếp sau nàng sẽ được tái ngộ cùng chàng, để kết hôn với chàng.
Vĩnh Xuân được thuyên chuyển qua Mỹ Tho làm việc ở Tòa Bố(tức là Tòa Hành Chánh về sau). Chàng kết thân với ông Kinh Lịch Lương, đuợc ông dạy đàn, dạy làm thơ để rồi cả hai trở thành đôi bạn vong niên thân thiết. Chàng từng thố lộ với bà Kinh như sau:
— Thưa bà, vì nghèo cực nên cực chẳng đã tôi phải theo tân học đặng làm việc lãnh lương nuôi mẹ. Tôi muốn ngồi yên trong một góc bàn mà biên chép, chờ cuối tháng lãnh lương ăn vậy. Tôi thưa thiệt với ông bà, tôi không ham danh lợi, ham lợi, nhứt là danh không chánh đáng và thứ lợi không hạp nữa. (trang 187)
Bà Kinh rất thuơng mến Vĩnh Xuân cố tình làm mai cho chàng cưới cô Cẩm Nhung, con gái út của Bà Chủ Thiệu ở Chợ Cũ (bên kia Cầu Quây). Vi sợ mẹ buồn nên chàng phải cưới Cẩm Nhung, một cô gái xuất thân từ gia đình giàu có, lại có bóng sắc chói chang. Đây là một cuộc hôn nhân miễn cưỡng vì chàng không sao quên được Cúc Hương. Còn Cẩm Nhung không quen làm vợ và làm dâu trong một gia đnh thanh bạch mà cách ăn ở sinh sống thiếu tiện nghi, nên cô đâm ra thất vọng. Lại nữa, gặp ông chồng thiếu nồng nàn, tình tứ nên cô thường về ở bên nhà mẹ, rồi sanh tâm ngoại tình, có thai với tình nhân. Vĩnh Xuân không muốn làm cho gia đình bên vợ mang tiếng xấu vì dầu sao Cẩm Nhung cũng đã sanh cho chàng một đứa con trai. Cho nên chàng khuyên Ba Khai, người anh trưỏng của vợ buộc Cẩm Nhung đút đơn vô tòa án xin ly dị, như thế cái tội ngoại tình của nàng sẽ được giấu nhẹm. Bà Chủ Thiệu và Ba Khai cảm cái đức quân tử của chàng nên âm thầm giúp đỡ chàng, vẫn xem chàng như con rể trong gia đình họ. Chàng vẫn gọi bà Chủ Thiệu bằng má trước sao sau vậy. Bà Chủ Thiệu và Ba Khai âm thầm giúp đỡ cách sống cho chàng được tiện nghi. Họ trừng phạt Cẩm Nhung, cấm không cho nàng ra khỏi nhà, cấm không cho nàng léo hánh lên nhà trên (tức là trung đường), cấm không cho nàng mặc quần hàng áo lụa, phải mặc vải bô thô xấu.
Nhờ giỏi tiếng Pháp, tại Tòa Bố chỉ một thời gian ngắn Vĩnh Xuân làm thông ngôn cho quan Phó Tham Biện người Pháp, rồi làm thông ngôn cho quan Chánh Tham Biện (về sau gọi là Tỉnh Trưởng) cũng người Pháp. Rồi chàng thi đậu trong cuộc thi tuyển tri huyện. Trong bữa tiệc ăn mừng Vĩnh Xuân thành công trên đường hoạn lộ do bà Chủ Thiệu khoản đãi, Vĩnh Xuân xin bà và Ba Khai rộng dung hình phạt cho Cẩm Nhung. Chàng nhận lỗi rằng chính cái cách cư xử dung túng nhưng thiếu nhiệt tình của mình đối với vợ đã xô đẩy Cẩm Nhung vào con đường quấy.
Sau đó ít lâu, Vĩnh Xuân được vinh thăng tri phủ phải qua Cần Thơ nhận nhiệm sở mới. Mọi việc sắp đặt chỗ ở mới cho quan huyện Vĩnh Xuân do chính Ba Khai đảm nhiệm. Trước khi qau Cần Thơ, bà Hương Văn Thanh và Vĩnh Tân (con của Vĩnh Xuân)có đến Chợ Cũ từ giã bà Chủ Thiệu. Tại đây, Cẩm Nhung ra mặt nhìn con của mình. Thấy nàng dâu cũ của mình hương phai phấn lợt vì bao năm bị gia pháp trừng phạt lại thấy cô bi lụy thảm thiết, bà Hương Văn Thanh an ủi Cẩm Nhung hứa sẽ dạy dỗ Vĩnh Tân không quên công sinh thành của mẹ và hứa hễ có dịp là cho Vĩnh Tân về Chợ Cũ thăm mẹ và bên ngoại.
Năm đó quan Phủ Vĩnh Xuân lúc đó đã 40 tuổi, trong buổi nhàn du tình cờ ông gặp cô Hưởng, con gái ông Hương Nhì Tồn từ hình dung tiếng nói đến dáng đi cử chỉ đều giống hệt Cúc Hương. Ông dò la biết được cô Hưởng sanh vào lối 3 giờ khuya, đúng là hai giờ sau lúc nửa đêm Cúc Hương từ giã ông để đi đầu thai. Tin chắc cô Hưởng là hậu kiếp của Cúc Hương nên ông xin cưới cô. Và muốn cho chắc ăn điều nhận nhận xét của mình, sau đám cưới chàng đưa vợ về quê hương của mình để xem nàng có nhớ được gì không? Quả nhiên vừa tới Chợ Giồng thì người vợ trẻ của quan Phủ Vĩnh Xuân nhớ hết những người thân trong quá khứ trong đó có vợ chồng ông Giáo Huân và chị Hai Tỷ.
Trong truyện dài ''Tơ Hồng Vương Vấn'', người xấu (mà bọn Cộng Sản gọi là nhân vật phản diện) chỉ có vợ chồng Hai Mỹ (song thân của Cúc Hương). Họ vô tình giết con gái mình vì họ chuộng thói tham phú phụ bần. Còn ngoài ra người tốt thì đông đảo hùng hậu. Ngoài mẹ con của bà Hương Văn Thanh, còn có Cúc Hương, vợ chồng ông Kinh Lịch Lương, bà Chủ Thiệu, Ba Khai, bà Giáo Huân, chị Hai Tỷ đều là những kẻ mến đức chuộng tài. Họ mở tấm lòng hào hiệp đối đãi với Vĩnh Xuân. Còn ông Giáo Huân thì ra công rèn luyện đức dục cho Vĩnh Xuân, vun quén thiên lương và đức độ của chàng được mãi mãi sáng rực rỡ như gương. Cẩm Nhung cũng không phải là người xấu. Nếu cô sống vào thập niên 60 trở về sau thì cô sẽ đuợc người đời không cho cô là tội nhân mà là một nạn nhân của nền luân lý cổ quá cay nghiệt khắc khe. Luân lý ấy dìm cô vào mặc cảm tội lỗi làm cô nghĩ rằng mình có tội nặng, chứ thật ra chẳng những tội cô quá nhẹ mà cô còn đáng cho chúng ta ai hoài thương xót. Rất may, dù bị ảnh hưởng luân lý của Nho Giáo, nhưng Vĩnh Xuân cảm thông được nỗi éo le của vợ nên xin mẹ vợ và anh vợ nương tay trừng phạt cho vợ.
Chuyện duyên nợ theo vòng luân hồi quả báo không phải chỉ có Hồ Biểu Chánh tiên sinh là kẻ tiền phong xướng ra trong văn chương. Vào thuở tiền chiến, trong hai quyển ''Kho Vàng Sầm Sơn'' và ''Đồng Tiền Vạn Lịch'', nhà văn Tchya đã viết cuộc tình của Nguyễn Anh Tề, con trai của Nguyễn Hữu Chỉnh, và Quận Chúa Võ An Trinh, con gái Võ văn Nhậm vào thời Tây Sơn dựng nghiệp. Cả hai trắc trở việc hôn nhân nên cùng sống thác với tình, hẹn kiếp sau sẽ thực hành cuộc tình duyên dang dở. Câu chuyện đó được gói ghém trong quyển ''Kho Vàng Sầm Sơn''. Khi qua quyển ''Đồng Tiền Vạn Lich'' thì Nguyễn Anh Tế thác sinh vao dòng dõi Nguyễn Hữu Chỉnh trở thành Nguyễn Hữu Tề, còn Quận Chúa Võ An Trinh đầu thai vào dòng họ Võ Văn Nhậm trở thành Võ Ái Trinh. Sau bao phen xung đột để chiếm đồng tiền Vạn Lịch mà họ cho rằng đó là cái chìa khóa mở kho vàng mà Nguyễn Anh Tề và Võ An Trinh chôn giấu ở Sầm Sơn. Nhưng họ chỉ tổ hoài công thôi. Họ không tìm được kho tàng mà tìm được dấu vết tình yêu giữa đôi bên với nhau từ thuở tiền kiếp.
Nữ sĩ ngươi Anh Elizabeth Goudge có viết trong quyển ''Tiếng Gọi Của Quá Khứ'' (''L'Appel du Passé'') cặp tình nhân dang dở thời tiền kiếp chết đi. Qua kiếp tái sinh chàng vẽ bức họa phong cảnh lâu đài mà cả hai đã từng sống. Nhờ vậy, hậu thân của nàng được phục hồi ký ức, nhớ lại cố nhân và cuộc sống xa xưa bên kia nẻo luân hồi để tìm đến chàng. Tin hay không tin thuyết luân hồi và thuyết thác sinh, nhưng nó cũng đã đóng góp cho văn nghiệp nữ sĩ Elizabeth Goudge một tác phẩm diễm lệ và cực kỳ thơ mộng. Nó đã giúp cho Tchya và Hồ Biểu Chánh thuyết phục một số độc giả suy nghĩ về cái thần bí của bánh xe luân hồi di chuyển không ngừng nghỉ trên vạn pháp và trên các hiện hữu.
* * *
Hồ Biểu Chánh viết tiểu thuyết theo lối thuyết thoại (la narration). Như đã nói, cụ kể chuyện tuồn tuột, ngon ơ, ít khi dùng óc quan sát để tả cảnh vật, tả ngoại hình các nhân vật. Thường là những nét phác thảo sơ sài, khái quát.
Đây là cảnh đi đò dọc từ chợ Mỹ Tho qua chợ Giồng Ông Huê (thuộc tỉnh Gò Công):
Đò lui. Hành khách chỉ có bốn người nên rộng rãi ai cũng nằm được. Gặp nước xuôi lại có gió xuôi bởi vậy ra khỏi vàm rồi trạo phu trương buồm mà chạy, khỏi chèo. Mặt trời vừa trịch bóng, đò đã tới Vàm Giồng, gặp nước lớn đi vô vàm, đi xuôi nữa. Chủ đò đoán trước bữa nay về tới chợ Giồng sớm lắm, chừng nửa buổi chiều.
Vĩnh Xuân nghe nói vậy bèn ngồi dậy. Bây giờ đò vô rạch Vàm Giồng, hai bên cây cối tập rạp, án gió không bọc buồm lên được. Trạo phu hạ buồm rồi gay chèo mà chèo, nhờ nước xuôi nên ghe đi lẹ lắm. (trang 93)
Đây là cảnh quan phủ Vĩnh Xuân đi chơi chợ Bình Thủy tình cờ gặp cô Hưởng (hậu thân của Cúc Hương) nên ông heo dõi cô thiếu nữ kia đến cầu Rạch Cam:
... Vĩnh Xuân vẫn theo coi nhà cô ở chỗ nào. Đi chừng một trăm thước thì tới một thớt vườn không lớn nhưng sạch sẽ dựa lộ, có hàng rào bằng cây trà, trong sân có trồng hoa, rồi sau sân ấy có một nhà lá ba căn xông, vách ván, cửa ván, nền cao, hai bên nhà dừa với mận trồng sum suê, còn phía sau thì cau chuối tịch mịch. (trang 406)
Những bối cảnh do tác giả dựng lên để lót nền cho cuộc tình sử giữa Vĩnh Xuân vá Cúc Hương cũng không được miêu tả chu đáo. Vẫn là nghệ thuật thuyết thoại theo lối văn chương trong các quyển địa dư, trong các quyển địa phương chí. Nhưng chính ở những dòng kể chuyện ấy, độc giả cũng có thể mường tượng những nét tạo hình ẩn trong cuộc bút trình của tác giả:
Rạch Vàm Giồng bên Cửa Tiểu, nhờ có kinh đào đi ngang qua chợ Giồng rồi thông với rạch Gò Công bên sông Bạo Ngược là sông Vàm Cỏ, bởi vậy địa thế giúp cho chợ Giồng biến thành một thị trường lúa gạo trong hạt Gò Công. Ở đây có nhiều người cất vựa trử lúa, trử gạo, từ ngoài đồng đem vô bán. Họ mua để bán lại cho những lúa gạo chở lên Chợ Lớn mà bán ngay cho mấy nhà máy hoặc cho mấy tàu khậu làm trung gian cho nhà máy.
Hồi đó, hễ đến mùa gặt lúa, thì chợ Giồng phồn thạnh lắm. Dưới kinh, ghe mua lúa đậu chật. Còn trên bờ, từ nửa buổi chiều cho tới canh một, ở ngoài đồng họ gánh gạo vô bán kể đến máy trăm người, mỗi xóm đi chung một tốp, lại có năm ba xe bò chở lúa đem vô nữa. Chợ lúa gạo nầy buổi chiều nhóm tại dốc cầu sắt. Đờn bà con gái dọn ngồi bên đường mà bán dầu lửa, nước mắm, hộp quẹt, trà tàu, cá khô, bánh trái, thúng rỗ, nón guốc, nia đệm, nghĩa là bán đủ thứ cần dùng ở chốn thôn quê. (trang 37)
Hồ Biểu Chánh ưa bàn luận nhân tình thế thái theo một bình diện phẳng, tức là dựa vào cái chung chung của cuộc sống rồi triển khai rộng ra, ít khi đào sâu vào những gì mà cụ tư duy.
Tự căn bản, ''Tơ Hồng Vương Ván'' chỉ là một pho diễm tình trà trộn bóng dáng tâm linh huyền hoặc. Cái giá trị văn chương của nó chẳng có bao nhiêu, nhưng bối cảnh lịch sử của nó làm chúng ta phải lưu ý. Đó là giai đoạn giao thoa giữa nền Nho mạt và văn hóa Tây phương sau khi Pháp thuộc-địa-hóa đất Nam Kỳ và đặt nền Bảo Hộ lên Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Hồ Biêu Chánh là con bậc thâm nho. Lúc nhỏ, cụ theo Nho học, nhưng sau đó cụ chuyển qua Tây học, rồi ra làm việc cho chánh phủ Thuộc địa. Do đó, cụ bị các bậc cựu nho eo sèo mai mỉa. Chính cụ cũng áy náy và ngờ ngợ hành xử và cuộc mưu sinh của mình có điều gì không ổn. Chính ở quyển ''Tơ Hồng Vương Vấn'' cụ mới có thể giải bày tâm sự và những điều khoắc khoải của mình:
Thế cuộc vần xoay, hết suy tới thạnh, nhơn quần tấn hóa, đổi cựu ra tân. Đó là định luật dĩ nhiên, dầu muốn dầu không ai ai cũng phải chịu, không làm sao sửa được.
Nhớ lại mà coi sau khi đánh phá đại đồn Chí Hòa rồi, binh đội Pháp lần lần xâm chiếm tất cả sáu tỉnh của đất Gia Định. Từ hạng nông phu cho tới học thức thảy đều tức tửi mà quay đầu về Phú Xuân, thì triều đình dường như im lìm bỏ xụi; còn chong mắt ngó vào đám anh hùng nghĩa sĩ thì các cụ Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân lần lượt thất bại tiêu tan.
Đứng trước ngả ba đường như vậy đó, phải đi ngả nào? Nếu cương quyết giữ
nền nếp cũ thì lấy chi mà nương náu, còn nếu đổi thái độ cho xuôi dòng thì lỗi với tổ tiên, mà thẹn cùng cây cỏ. Trong lúc dân trí phân vân như vậy, nhà cầm quyền Php khôn ngoan, nên chăm lo gây thiện cảm với nhân dân. Người ta biết thâu phục đất đai thì dễ, nhứt là gặp xứ không có binh đội tổ chức hoàn bị; còn như thâu phục nhơn tâm là điều khó khăn, phải hay đổi văn hóa, phải un đúc tâm hồn, mấy viẹc đó phải dầy công phu, phải nhiều thế kỷ thì mới làm nên được. (các trang 7, 8)
Xin nghe cuộc đối đáp giữa quan Phủ Vĩnh Xuân và thầy Cai Tổng, tại một khách sạn tỉnh Cần Thơ:
— ...Tôi nghe nói thuở xưa quan thanh liêm đi phó nhậm chỉ có một cây đờn cầm với một con hạc thế mà tới đâu cũng bố đức cho dân lạc nghiệp an cư. Đời nay không có hạc thì quan lớn đi phó nhậm với một cây đờn, tôi tưởng cũng đủ rưới âm đức cho nhơn dân xứ Cần Thơ nhuần gội.
— Thầy Cai đem tôi mà sánh với quan đời xưa sao được. Nước đã mất chủ quyền, dân đã thành tôi mọi. Tôi làm quan, song cũng là tay sai của người ta, lịnh trên dạy phải làm sao tôi phải làm như vậy. Tôi cũng như anh đầu bếp nấu canh. Chủ nhà đưa mắm muối biểu nêm cho thiệt mặn. Tôi tráo trở làm cho lạt bớt đặng để ăn. Đó cũng đã đủ nát trí khôn rồi. Khỏi bị quấy rầy, bị quở phạt ấy là may, mong gì làm cho ngươi ăn khen canh ngon ngọt được. (trang 393)
Cúc Hương và Vĩnh Xuân tuy học theo đàng cựu dở dang nhưng cũng đã từng học các quyển ''Minh Tâm Bửu Giám'', Ấu Học Tầm Nguyên'', ''Tứ Thơ Thể Chú'', ''Đại Học'',
''Trung Dung'', ''Luận Ngữ''... Vĩnh Xuân có thể giải nghĩa rành rọt sách Mạnh Tử cho Cúc Hương nghe. Nhưng vì nhà nghèo, nếu đeo đuổi theo cái học của thời mạt điệp của ngành Nho học thì làm sao chàng kiếm tiền nuôi mẹ khi mẹ già yếu? Chàng chuyển sang Tân học. Vào thuở đó tại tỉnh Gò Công tình trạng Tân học ở bậc tiểu học như sau:
Trong khoảng đó, người ta nhận thấy tại Châu Thành Gò Công nhà nước có một trường sơ đẳng học, gồm năm lớp có một quan Đốc học người Pháp với năm giáo viên người Việt. Từ lớp nhứt đến lớp tư thì dạy Pháp văn nhiều hơn Việt văn, còn lớp năm là lớp chót thì giao cho một thầy nho biết chữ Quốc ngữ dạy trẻ đồng ấu học vần xuôi, vần ngược, rồi tập đọc, tập viêt quốc văn.
Học trò cả thảy chừng một trăm rưỡi, lớp chót được lối năm mươi trò, còn mấy lớp trên chung vài ba chục, tới lớp nhứt chỉ còn mười đến mười lăm là nhiều. Lại học trò toàn là con trai, chớ không có con gái, cha mẹ ở tại chợ, hoặc trong mấy xóm làng xung quanh cách chợ lối vài ba ngàn thước.
Muốn lấy thêm học trò đông, lại cũng muốn Pháp ngữ được thông dụng trong mấy làng xa, Tham Biện mới mở tại bốn chợ trong bốn tổng, mỗi chợ một làng dạy Pháp văn gọi là ''Trường tổng'' gồm hai lớp: lớp nhỏ dạy cho biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ, rồi lên lớp lớn bắt đầu dạy Pháp văn. Trong lúc nói đây, trong hạt có bốn trường tổng đặt tại bốn chợ: Rạch Giá (Đồng Sơn), Giồng Ông Huê (Vĩnh Lợi), Cửa Khâu (Tăng Hòa) và chợ Tổng Châu (Tân Niên Tây)...(các trang 10, 11)
* * *
Trong sự nghiệp văn chương nguy nga đồ sộ của Hồ Biểu Chánh, bút giả HTA chọn quyển ''Tơ Hồng Vương Vấn'' thay vi những quyển tiểu thuyết nổi tiếng lừng lẫy khác của cụ như ''Nặng Gánh Cang Thường'' (phóng tác theo vở bi kịch ''Le Cid'' của Corneille), ''Ngọn Cỏ Gió Đùa'' (phóng tác theo quyển ''Le Misérables'' của Victor Hugo), (phóng tác theo quyển ''Chút Phận Linh Đinh'' của Hector Malot),''Cay Đắng Mùi Đời'' (phóng tác theo cuốn ''Sans Famille'' cũng của Hector Malot), ''Kẻ Thất Chí'' (phóng tác theo quyển (''Crime et Châtiment'' của Dostoievski)... Bút giả nhận thấy ''Tơ Hồng Vương Vấn'' ngoài chuyện gay cấn éo le đã từng thôi miên và mê hoặc độc giả mà còn phản ảnh được một giai đoạn lịch sử, một chuyển biến gần như lột xác về phương diện văn hóa.
Tác giả đã xắn ra một mẩu đời của mình để đưa vào tác phẩm. Tác giả lại còn xắn tim óc của mình để rải vào tác phẩm. Cái văn dĩ tải đạo của cụ có thể đã lỗi thời. Nhưng người thưởng thức có đầu óc sáng suốt, cótinh thần tìm hiểu chuyện quá vãng theo kiểu ''ôn cố nhi tri tân'' sẽ chấp nhận mọi cách giải bày tâm sự, hoài bảo, khuynh hướng, lý tưởng của cụ. Ngoài ra song song với tấm lòng thành khẩn của cụ, người ta còn bắt gặp cái tinh thần tồn cổ một cách khả ái của cụ, chứ họ không kinh hãi cái nệ cổ đi đến mức cuồng tính một cách ngoan cố của các bậc hủ nho khác.
Trong quyển ''Le Pavillon des Femmes'' (''Ngôi Nhà Lầu Phụ Nữ''), nữ sĩ Pearl S. Buck có bàn về quyển ''Kim Bình Mai''. Đại ý rằng nếu ai thích tìm thú nhục cảm thì ''Kim Bình Mai'' là quyển dâm thư đúng nghĩa. Nhưng nếu ai muốn tìm xã hội tham nhũng thối nát dưới triều đại Nam Tống do Hoàng Đế Tống Cao Tôn trị vì thì quyển truờng giang tiểu thuyết này cũng sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của đương sự. Như thế, tùy theo mục đích thưởng ngoạn của kẻ đọc sách. Riêng về quyển ''Tơ Hồng Vương Vấn'' của Hồ Biểu Chánh, nếu ai muốn tìm thú giải trí theo thị hiếu bình dân thì đây là quyển diễm tình hấp dẫn. Còn nếu ai muốn biết xã hội Việt Nam vào buổi giao thời thì đây là quyển sách bồi bổ kiến thức cho đương sự. Có điều đáng chú ý là vào thời Pháp thuộc, Hồ tiền bối của chúng ta không dám bộc bạch tâm trạng kẻ sĩ của mình qua nhân vật Vĩnh Xuân vì cụ sợ chánh quyền Thực dân gây trở ngại cho bước tiến thủ trên hoạn lộ của cụ. Phải đợi tới thuở bình minh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, cụ mới dám bộc bạch mọi nỗi niềm u ẩn của mình.
Chương Ba
Phi Vân, nhà văn mở rộng dải Đất Tân Bồi
qua tập truyện phong tục ''Đồng Quê''
Độc giả khó tính thường cho rằng văn chương các nhà văn gốc Nam Kỳ như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu (còn có bút hiệu Mộng Huê Lầu), Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình (1), Phi Bằng Cao Minh Chiếm, Nam Đình, Phú Đức viết tiểu thuyết phi văn chương. Họ chỉ kể truyện chứ không dựng những khung cảnh sống thực trong tác phẩm của mình, cho nên họ không thể là những nhà văn đúng nghĩa, đúng mức. Thế có nghĩa là họ là những người kể chuyện (les narrateurs) hay người biên chép (les chroniqueurs). Những cái tai hại đó Nguyễn Ngọc Ngạn, Võ Kỳ Điền đã từng vấp phải. Cả Kiệt Tấn trong truyện dài độc nhất ''Lớp Lớp Phù Sa''cũng chưa dựng được những khung cảnh nơi Cột Cờ Đỏ (Bạc Liêu), nơi mà đương sự mở mắt chào đời.
Vào năm 1943, Hội Khuyến Học Cần Thơ có trao giải thưởng cuộc thi văn chương cho cuốn ''Đồng Quê''của Phi Vân. Nhưng tác giả khiêm tốn cho rằng đây là những bài phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của mình góp chung thành một tập.
Dù thể loại của tác phẩm ra sao đi nữa, nhưng ''Đồng Quê'' vẫn là tác phẩm văn chương đúng nghĩa. Nó đã từng khai sáng cho văn chương đất nước Nam Kỳ, mở đầu cho những cây bút lừng danh sau này như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên,Vân Trang (2), Nguyễn thị Thụy Vũ... Đây là một tác phẩm phong tục có thể đương đầu với các tác phẩm phong tục của Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Trần Tiêu, Nguyên Hồng, Mạnh Phú Tư vào thời tiền chiến trên đất Bắc.
Phi Vân có dựng khung cảnh lẫn bối cảnh lịch sử cho tác phẩm mình. Anh còn soi rọi tâm tình, cá tính các nhân vật bằng những nét khái quát. Nhưng những nét tạo hình của anh, những diễn tả nội giới các nhân vật của anh vẫn đập mạnh vào ấn tượng độc giả, mở con đường rộng để cho họ nhìn vào cái thế giới mường tượng bao la của họ.
Xin đọc một đám rước dâu bằng đò máy trong truyện ngắn ''Trao Thân Con Khỉ Mốc'':
Tàu chạy hôm nay là hai hôm rồi: sông Ông Đốc, kinh xáng Bà Kẹo, Đầm Cùn, kinh xáng Thọ Mai, nhưng xóm Kiến-Vàng hãy còn xa lơ xa lắc.
Họ đàng trai đã mệt nhọc ngồi trong chiếc tàu chật hẹp. Người ta đã ăn ba lượt bánh mì với thịt quay mua ở Cà Mau. Chú rể ngày đầu còn khăn đóng áo dài, hôm sau đã cổi dẹp qua một bên, mặc chiếc áo thun giả ngồi ở truớc mũi tàu ngong ngóng, thỉnh thoảng vươn vai hít không khí rồi cú- rủ nhìn lũ trẻ trong xóm chạy theo tàu trên bờ sông vỗ tay reo: ''Ê! Đám cưới!...
''Đi họ''còn có ba cô gái: áo tím, áo xanh, ''bọt -đê'' dài thườn thượt.
Các cô tỉ-mỉ từng chút, luôn sẽ nhặt sống áo và lai quần hàng thẳng bóng để đôi giày cuờm khỏi vương mà làm lấm hư đi.
Hôm xuống tàu, ba cô chọn một chỗ sạch, ngồi nói chuyện với nhau khe khẽ, ai mời gì cũng từ chối, thỉnh thoảng đưa cái bóp đầm lên soi kiếng, sửa lại cái vành môi.
Nhưng hôm nay ông Chánh Khá đã vắt cái áo đen trên vai và gói cái khăn đóng lại; ông chủ hôn Cai Sót đã nằm ngáp trên chiếc sập con, thì các cô đành chia nhau ăn mấy khúc bánh mì còn sót lại.
Son môi đã hoen ố, phấn trên má cũng phai đi từng khoảng. Chiếc khăn mù-soa đã được nằm trong túi, không còn đeo-đẳng với tay nữa. Vì hai bên bồ, rừng tràm và dừa nước, muỗi nó kêu vang như khát máu, đập bằng tay có hiệu nghiệm hơn, chớ cầm khăn mà chặm chặm thì nó không thấm tháp vào đâu cả. (các trang 36, 37)
Cũng xin đọc luôn tâm trạng người tù trở về quê quán trong đoạn kết của phần tiểu thuyết. Đây là nhân vật tá điền xưng tôi can tôi giết cường hào ác bá.
Năm năm tù và mười năm biệt xứ không dài bao nhiêu, nhưng nó thay trọn cuộc đời tôi. Tôi muốn người ta cho tôi ngồi trong khám mãi để mà quên đi, quên biệt, còn hơn cho tôi trở về với người đời.
Năm năm trong tù, tôi học rành chữ quốc ngữ và mon-men được chút đỉnh chữ Tây. Mười năm biệt xứ khiến tôi có dịp dày dặn với cuộc đời và nới rộng tầm con mắt.
Tù hạn trả xong, tôi lần về làng cũ. Cảnh vật không còn như xưa nữa. Ông và bà thầy pháp đã vào cảnh Tiên, Phật; thằng Út đi theo cải lương, con tám Én đã có chồng với một dọc con dài, chồng nó là thằng tư Bồ.
Tôi cất tạm một căn nhà trên hòn Đá-bạc. Ở đó, ngày ngày nghe tiếng gió thét sống gầm mới an-ủi được lòng tôi.
Và chiều chiều, khi vừng thái-dương sắp chìm vào nước biển, tôi leo lên một mỏm đá cao chót-vót đứng nhìn về phía đất liền.
Sau rặng cây xanh bên ấy, chạy dài đồng nầy sang đồng khác. Trong những đồng rộng mênh-mông, hiền-lành đó, ẩn-trú biết bao nhiêu là tá điền, chủ điền...
Mà thôi, dĩ-vãng đã chết, còn nhắc lại làm gì nữa!...
Họ không phải là người gây nên tội ác, họ chỉ là nạn-nhân của một hoàn-cảnh xã-hội và của một thời-kỳ. (các trang 233, 234)
Phi Vân có một bút pháp dí dỏm và lôi cuốn. Nó đượm hơi hướm ngôn ngữ của các cô thiếu nữ ưa chót chét xí xọn rất duyên dáng, của các thím, các mợ đỏng đảnh dễ thương , của các bà già trầu tía lia tuy đắng ngoài mà lại ngọt trong, của các bợm nhậu khề khà bộc trực, của các ông già ống vố ó đâm nhưng cận nhân tình thế sự.
''Đồng Quê'' gồm có 2 phần: phần đầu là ''Phóng Sự Ngắn'', phần thứ hai là ''Tiểu Thuyết Phóng Sự''. Nhưng dù là lối diễn tả của Phi Vân tuy gảy gọn, tuy không chuốc lọc, nhưng rất gợi hình lẫn gợi tình. Đây là một tác phẩm văn chương được xếp loại vào truyện ngắn phong tục và tiểu thuyết phong tục.
Phần truyện ngắn phong tục gồm có những bức tranh đồng quê thuộc loại tả chân hoặc thuọc loại hoạt kê gồm những nét hí họa lẫn biếm họa.
* Hai truyện ngắn ''Muốn Ăn Trứng Nhạn'' và ''Tiếng Hò Trong Đêm Vắng'': viết về bọn cướp trên sông rạch, nhắm vào những chuyến thủy trình của lương dân. Truyện đầu xảy ra trong dịp đám cưới rước dâu bằng ghe thuyền. Truyện thứ nhì trong dịp hai chiếc ghe hò đôi đáp trên sông, ghe cô gái là ghe bọn cướp, ghe chàng nam nhân là ghe thương hồ.
* Hai truyện ngắn ''Đổng-Trác Biết Sập Giàn'' ''Chợ Hay Quê,'': viết về các gánh hát bội địa phương khi họ trình diễn vở tuồng ''Phụng Nghi Đình''. Truyện đầu vì khán giả chen chúc trên sân khấu quá đông nên giàn phải sập. Nam nghệ sĩ đóng vai Đổng Trác phải ngưng diễn tuồng để hét la báo động. Ở truyện thứ hai, cô đào chánh đóng vai Điêu Thuyền bị mang thai nên có cô đào khác kém sắc hơn thay thế nên bị một khán giả thuộc loại hàm hồ kêu lên: ''Ê! Cái mặt Chung Vô Diệm''. Cô đào thay thế kia liền tạm ngưng trình diễn, trả đũa liền: ''Xin lỗi quý ông quý bà, khốn nạn cái anh nào nói tôi là Chung Vô Diệm!''.
* Hai truyện ngắn ''Châu-Xương Cử Thanh-Long Đao!'' ''Ông Tướng ''Thầy Ba'': Ở truyện đầu tác giả phơi bày chuyện mê tín của dân quê. Có ông ở Rạch Cóc xưng là xác của mình được hồn của Đức Quan Thánh Đế Quân (QuanCông) nhập vào để trị bịnh tà ma cho bá tánh. Mỗi khi trong nhà có kẻ ngã bịnh, gia chủ luôn nghĩ rằng bịnh nhân bị vong linh tà má quấy nhiễu nên rước y ta về nhà để đuổi tà ma ra khỏi thân xác người bịnh. Cứ mỗi lần rước y ta về nhà như thế, gia chủ phải nạp cho y ta một con heo quay nặng đúng một tạ. Tên Năm Quấy (bạn của tác giả) biết y ta mị dân dối thế để bóc lột dân quê nên thừa lúc y ta xưng là hồn Quan Công nhập xác để múa đao nên Năm ta cũng nhảy vào, xưng là hồn Châu Xương (tùy tướng của Quan Công) nhập xác mình. Rồi Năm ta huơi đao múa loạn xạ nhưng đẹp mắt như Sơn Đông mãi võ, và thì thầm với xác Quan Công đòi chia hai con heo và được ông xác kia phải nhượng bộ.
Ở truyện thứ hai, Năm Quấy được thể, nhảy ra làm thầy pháp trị bịnh con nít lẫn người lớn vì theo y ta thì các bịnh nhân bị ''con sát'' hoặc ''con trùng'' (thuộc loại tà thần ác quỷ) khuấy phá. Hắn bảo rằng nhờ có ''ông tướng thầy ba'' mà y có thể chữa cho các nạn nhân lành bệnh. Nhưng khi chữa trị cho một nữ bệnh nhân, Năm Quấy động lòng dơi dạ chuột, trổ thói dê đực ôm siết cô ta, bị cô ta phang guốc lên đầu. Thế là Năm Quấy cùng tác giả nhục nhã, phải bỏ làng Rạch Cóc để đến chỗ khác tha phương cầu thực.
* Truyện ngắn ''Trao Thân Con Khỉ Mốc'': đây là một vụ cưới gả khá phức tạp ; ông trưởng tộc đằng gái làm khó, bắt chẹt đàng trai trong giờ rước dâu đủ mọi điều. Cho nên ông Hương Ba (rể phụ) sau phần lạy họ, bảo ông tộc trưởng tộc đằng trai xin kiếu từ ra về liền, không cần ở lại ăn tiệc. Cho nên khi cô dâu chú rể lễ lạy vừa xong, đằng trai quây quần hộ tống cô dâu xuống tàu thủy ra về . Ông tộc truởng đàng gái tru tréo bảo phải đợi làm lễ trao thân gởi phận xong đã... Chàng rể phụ Hương Ba khi cùng đằng trai và cô dâu sau khi xuống tàu, trả lời cộc lốc: ''Trao thân con khỉ mốc!''.
* Truyện ngắn ''Cành Tre Cũ Cặp Giò Xưa'': Trong đêm tối, nghe bên nhà ông điền chủ Bá có tiếng báo động: ''Ăn cướp! Ăn cướp!'', nhân vật xưng tôi núp sau bụi bông phướn, khi thấy bóng đen chạy đến anh ta bèn dùng cành tre quất mạnh vào giò đương sự. Nhưng đó không phải là kẻ gian phi mà là cô con gái anh Bá. Nhân vạt xưng tôi đành cõng cô ta về nhà để cô ta dưỡng thương, chờ coi tình hình động tịnh trong xóm ra sao. Thì ra ông Bá lợi dụng thằng Tư Rổ ở rể để bắt nó làm tôi tớ không công suốt một thời gian dài rồi đuổi nó đi, không chịu gả con cho nó. Tức quá, nó xông vào nhà, hăm dọa giết ông rồi bắt cô con gái ông theo nó. Nhưng khi cô gái vừa chạy ra khỏi nhà thì bị nhân vạt xưng tôi dùng cành tre phang vào chân té quỵ. Nội vụ được giải ra thầy hương quản, rồi được giải lên quận để phân xử. Cô gái không hề hé răng khai rằng mình bị nhân vật xưng tôi đánh nặng. Nhưng từ đó hễ gặp nhân nhân vật xưng tôi là cô gái cười chúm chím rất ngụ ý ngụ tình làm anh ta phải bỏ làng ra đi. Có lẽ anh ta sợ mình sẽ gặp hoàn cảnh éo le của thằng Tư Rổ chăng?
* Truyện ngắn ''Đạo'': Trong bữa tiệc rượu, ông Chủ vốn là nhà Nho lỡ vận cùng Phó Xã Việt bàn bạc và giải thích chữ ĐẠO. Họ có nhiều ý kiến lẫn kiến thức khác nhau Họ giai thích chữ ĐẠO bằng cách chiết tự, và moi móc những ý nghĩa ẩn mật thâm thúy trong chữ ấy. Các thính giả dần dà ngấm men say, nghe riết rồi lăn đùng ra ngủ mê mệt. Riêng ông Chủ cho nhập cảng rượu và mồi nhắm vào miệng không hiểu ít hay nhiều trong lúc giải hích chữ ĐẠO, nhưng vào lúc mọi người đang ngáy ồ ạt thì ông cho mấy thứ vào mồm lúc nảy xuất cảng ra hết ngoài cửa khẩu. Chuyện có vẻ đơn giản, nhưng rất ngậm ngùi thời mạt điệp của giới đàng cựu nói chung, của Nho học nói riêng.
* Truyện ngắn ''Quỷ Vương'': Trong cách dựng truyện, vấn đề thời điểm vẫn là vấn đề then chốt. Ở đây, tác giả chỉ nói tới ''điểm'' tức là làng Thới Bình bên dòng sông Trẹm, Nhưng về vấn đề ''thời'' thì câu chuyện xảy ra trong khoảng thời gian mù mịt. Thường ông già bà cả Nam Kỳ hay bảo nhau lúc Việt Minh (cái tên đầu tiên của Cộng Sản ở Việt Nam) ra đời là thời Quỷ Vương lộng hành có nắng lửa mưa dầu. Đêm đêm, chúng gỏ cửa xét nhà rồi bắt người (hào phú, địa chủ) cho mò tôm (một hình thức thủ tiêu). Chuyện đó xảy ra trước khi Nhật rút lui khỏi Đông Dương và Việt Minh lên nắm chánh quyền. Đó cũng là lúc Việt Minh tuyên truyền truyền dân chúng ở đô thị lẫn ở thôn quê nếp sống tự do dân chủ. Tuy nhiên, tác giả không nói rõ khoảng thời gian ấy.
Quỷ vương ghé lại chợ Thới-Bình với gương mặt đầy kiêu hãnh.
Làng Thới-Bình không còn vang lặng như xưa.
Người ta lấy làm lạ sao thằng Chột con ông Bính đổi tên là Hoàng Hoa, lần lần thằng Phinh cháu ông Phó Tám đổi tên là Tuấn Nghĩa, thằng Tích em Tuần Danh là Vân Mộng, cho đến con Đẹt con gái chú Phồi cũng xưng là Thúy Liễu và con Út con ông Phó Cao là Kiều Nga.
Chúng thường đi cặp từng năm lũ ba thả rểu quanh chợ bất cứ đêm ngày, và hễ gặp nhau là cúi đầu rất sâu, chìa tay ra siết chặt:
— Vân-Mộng xin kính chào Kiều-Nga!
Hay:
— Thúy Liễu nầy đa tạ huynh ông Tuấn Nghĩa!
Rồi họ cùng nhau bàn-tán vang trời những tiếng Văn-minh, Hủ-lậu, Nữ-quyền, Giác ngộ v.v... (các trang 86, 87)
Cái văn minh tân tiến của bon Quỷ Vương địa phương làm gai mắt phụ huynh của chúng. Nên thừa lúc bọn chúng tụ họp đàn đúm với nhau, họ xông vào đánh tan chúng như phá nát chòm ong lũ kiến. Từ đó làng Thới Bình trở lại nếp sống hiền hòa yên tĩnh.
*Truyện ngắn: ''Các Trò Ơi, Thầy Phen Nầy Thọ Tử'': Câu chuyện xảy ra thuộc ấp Kiến Vàng, làng Tân Hưng Đông. Nhân vật xưng tôi đến dạy học tại đây gặp lũ học trò tinh ma quỷ quái, thạo chuyện bắt chim và các loài bò sát (ếch, rùa, rắn, kỳ nhông, rắn mối). Chúng còn giỏi nghề bắt cá. Như thế, trên đất hoặc dưới nước, nơi nào cũng để cho chúng săn tìm món ăn phong phú ê hề. Sau bao phen bị chúng thử thách tài nghệ trên đất duới nước, đương sự khắc phục được chúng và chúng coi anh ta như Tổng tư lịnh. Nhưng trong dịp săn được con heo rừng có thai, tai họa lại đến. Thai heo được các cụ Nam Kỳ ta gọi là heo hà nàm, được móc ra tiềm với thuốc Bắc cho nhân vât xưng tôi tẩm bổ. Nhưng khi ăn xong, anh ta ngã bịnh, tưởng toi mạng nên trối trăn với bọn đồ đệ của mình. Tuy nhiên, khi bọn học trò rước lang y trị bịnh cho đương sự thì mới hay heo hà nàm là món thuốc bổ, có tánh hàn. Đương sự ăn thứ đó không tiêu, lại uống rượu nhiều. Rượu và thai heo kỵ nhau nên đương sự mới thọ bịnh như thế.
* Truyện ngắn ''Sanh Nghề Tử Nghiệp'': ''Mét Văn Quang'' (Maitre Văn Quang) là thầy bói ở tận mũi đất Cực Nam của đất nước Nam Kỳ, dùng cái miệng lanh lợi, cái lưỡi uyển chuyển tráo trở, lấy việc đoán quá khư vị lai để gạt gẫm nguơi mê tín. Công việc làm ăn của đương sự đang xuôi mát mái, bỗng gặp tai nạn: đương sự đoán vận mệnh cho một tên điền chủ hung hăng, bảo rằng y ta lừa bạn giật tiền, trong vòng 2 ngày sau sẽ bị nắm chóp. Tên điền chủ nổi giận đánh ''mét Văn Quang'' chí chết. Hai ngày sau, y ta chưa bị ai nắm chóp. Nhưng ''mét Văn Quang'' không đoán nổi vận số của mình: Hai ngày đương sự trút linh hồn vì trận đòn quá nặng tay, gây chấn thương trong lục phủ ngũ tạng.
Vào thời tiền chiến, các tay thầy bói nổi danh như Tư Nên, Fraçois Lư đều xưng mình là ''professeur'' ( professor/ giáo sư) nên khách hàng gọi họ bằng ''thầy'' (maitre). Trong thời chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh có ''maitre'' Khánh Sơn từ ngoài Bắc và Sài Gòn mở phòng bói toán nên dân Nam Kỳ Lục Tỉnh gọi đương sự bằng ''maitre Khánh Sơn''. Thật ra thiên hạ gọi các luật sư bằng ''maitre'', chớ nhưng kẻ không mê tín không bao giờ gọi mấy ông mấy bà lốc-cốc-tử bằng ''maitre'' một cách trọng vọng như thế.
* * *
Phần thứ hai là phần phóng sự tiểu thuyết (nói theo tác giả) có cái tựa là ''Dưới Đồng Sâu''. Thật ra đây là quyển tiểu thuyết đồng quê thuộc loại phong tục và tả chân xã hội. Nó gồm có những truyện ngắn dưới hình thức từng chương một như sau: ''Câu Cá'', ''Cá Mắc Câu'', ''Tôn Sư'', ''Đạo Phù Thần'', Ôm Ma Xơ Rốp...'', ''...Ma Ha Xơ Rốp'', ''Oan...!'',''... Nghiệt!'', ''Muộn Màng'', ''Tử Thù'', ''Hận Nghìn Đời'', ''Đoạn Kết''.
Truyện rằng: Nhân vật Sáu Đờn Kìm đến nhà ông Chủ Trần Háo Nghĩa xin mưón ruộng. Nhưng chàng ta bị tên điền chủ ác ôn này bóc lột thẳng tay Xin cùng đọc:
Tờ lãnh làm ruộng giao
Nay tôi có lãnh làm 50 công ruộng cho ông chủ Trần Háo Nghĩa tiền công tôi lấy trước phân nửa là 20$. Còn 20$ chờ đã cấy xong, giao ruộng, tôi lãnh tất.
— Bẩm Chủ, tôi xin mướn ruộng, chớ không lãnh ruộng giao.
— Ậy, việc mướn chác thì mình biết với nhau, còn giấy-tờ phải làm như vậy cho đúng phép. Phỏng như làm tờ mướn rồi nửa chừng mầy trốn có phải lòng-dòng cho tao thêm không? Làm như vầy mầy lãnh làm công, rồi có muốn trốn, ruộng của tao, bất quá tao gặt trừ. Tao ngừa như vậy, tá điền tao đứa nào có kêu-ca gì đâu! Bây giựt của tao thì có, chớ tao, ruộng đất minh-mông, chẳng đời nào tao giựt của bây!
— Bẩm Chủ, còn tiền lấy thêm: Hai chục đồng, tôi đâu có hỏi?
— Mầy quê lắm. Tiền đó lá tao buộc phải vay, tới mùa, tao đong lúa trừ. Tao tính mỗi giạ, năm cắc. Phải vay mới có mà ăn đặng chớ, không lẽ mầy cạp đất mà cày ruộng sao?
— Nhưng... giá lúa bây giờ đến hai đồng một giạ.
— Thì hai đồng bây giờ. Đây ra giêng còn tới bốn năm tháng nữa, chừng đó giá lúa lên cao tao nhờ, sụt tao chịu. Tao dám ''cho'' như vậy mà mầy còn chê mắc chê rẻ... Thôi, không bằng lòng, để ruộng đó lại cho tao! (các trang 147, 148)
Sáu Đờn Kìm chịu làm ruộng giao cho ông Chủ Trần Háo Nghĩa. Dè đâu ông ta thấy mẹ của chàng ta hãy còn bóng bẩy nên ve vãn ráo riết. Một hôm, thừa lúc Sáu Đơn Kìm vắng nhà, ông ta toan bề cưỡng bức mẹ của Sáu thì thình lình bà vợ ông ta nhảy vào đánh người đàn bà đáng thương kia một trận đòn chí mạng. Sáu Đờn Kìm khi trở về thì thấy mẹ mình đang hấp hối. Chàng ta thề quyết báo thù.
Ở đoạn kết, chúng ta được thấy Sáu Đờn Kìm trở về cố hương sau 5 năm tù, 10 năm biệt xứ vì can tội sát nhân. Giết ai? Giết ông Chủ Nghĩa hay giết vợ ông ta? Hay giết chết cả hai? Tác giả không nói rõ.
Trong phần tiểu thuyết, tác giả có lồng vào bốn mối tinh và bốn tâm sự. Cô Yến con ông thầy phù phép yêu Sáu Đờn Kìm. Chàng ta cũng có chút vấn vưong với cô, nhưng cô ta lại yểu mệnh. Cô Tám Én yêu Sáu Đờn Kìm; tình yêu đôi bên nẩy sinh sau hận thù và ngộ nhận.Thằng Tư Bồ yêu đơn phương cô Tám Én, nhưng khi Sáu Đờn Kìm sa vào vòng tù tội thì cô ta trở thành vợ của nó. Ngoài ra thằng Út, em trai cô Yến cũng say mê Sáu Đờn Kìm, vắng mặt chàng ta là nó nhớ thương khắc khoải. Bản chất mối tình của nó ra sao? Tác giả không phân tích rõ. Có thể là nó mê giọng hát ngọt, ngón đàn tươi của Sáu. Mà cũng có thể đây là thứ đồng tính luyến ái mù mờ mà nó không nhận định ra (l'homophilie latente).
Chuyện tình yêu được coi như một bản nhạc đệm (musique de fond) cho một vở kịch hay một cuốn phim. Nhưng đây là một khúc giao hưởng thống thiết (symphonie pathétique).
Ngoài ra, còn có vụ bùa chú ngải nghệ. Ông Thầy, cha cô Yến nổi danh là thầy pháp cao tay ấn trong việc tróc quỷ trừ yêu Nhưng ông không thể cứu sống con gái ông chết vì bệnh mà ông đổ hô là cô Yến bị Quỷ Vương ám nhập để hành bịnh con mình. Sáu Đờn Kìm là học trò môn bùa chú của ông. Còn Tư Bồ là học trò môn võ thuật của ông Cho nên khi xáp trận với Tư Bồ, lần nào Sáu Đờn Kìm cũng đại bại, mình mẩy mang đầy thương tích, thần chú không giúp ích cho chàng được chút nào cả. Trong bóng tối rừng tràm và vùng mới hai hoang, tác giả không giăng mắc không khí huyền bí, mà soi rọi ý thức vào những mê tín đáng thương của lớp người đang ở vào thời kỳ xa ánh sáng văn minh của thị thành.
* * *
Ở truyện ''Đồng Quê'', Phi Vân thực sự viết văn một cách nghiêm chỉnh, dù anh dùng một bút pháp dí dỏm, những ngôn từ đơn giản đến chỗ thiếu chăm sóc, thiếu chọn lựa tỉ mẩn. Diễn biến mọi truyện không có chút sắp đặt mọt cách công phu nhưng giả tạo nào. Mọi việc tuần tự xảy ra một cach hồn nhiên. Điều này khác hẳn những cấu trúc tiểu thuyết của những cây bút tiền bối của anh như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Phi Bằng Cao Minh Chiếm, Bửu Đình, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Nam Đình...
Trong ''Đồng Quê'', truyện ngắn ''Quỷ Vương'' sẽ làm bọn Cộng Sản nhột nhat xốn xang vì truyện ngắn này móc xỏ, nhạo báng sự ra đời của chủ nghĩa của chúng. Nhưng chúng cũng có thể lợi dụng truyện ngắn ''Cành Tre Cũ Cặp Giò Xưa'' và truyện vừa (tiểu thuyết phong tục) ''Dưới Đồng Sâu'' để làm lợi khí tuyên truyền của chúng. Rằng: lớp địa chủ là loại giai cấp thống trị chuyên môn bóc lột giai cấp bị trị là thành phần tá điền đáng thương.
''Đồng Quê'' là cái chìa khóa mở đường cho các cây bút đi sau Phi Vân hình thành loại tiểu thuyết phong tục hay loại tiểu thuyết hiện thực rất văn chương đúng nghĩa sau này.
Chú Thích:
(1) Chánh quán và sinh quán ngoài Huế, nhưng trưởng thành ở Sài Gòn, cưới vợ
Gò Công và bị nam-kỳ-hóa 100%. Ông chống Pháp bị đày ở Con Đảo rồi kết bè vượt biển qua Xiêm, nhưng mất tích luôn ngoài biển khơi. Ông sáng tác 2 truyện dài nỏi danh là ''Mảnh Trăng Thu'' và ''Cậu Tám Lọ''.
(2) Nhà văn nữ, gốc ngưòi Rach Giá, đã từng cọng tác cho hai tạp chí Bách Khoa, Mai trong 2 thập niên 50, 60. Bà gom các truyện ngắn đã đăng báo của mình in thành tác phẩm ''Một Lá Thư Tình'' do Phù Sa Xuất bản.
Chương Năm
Sơn Nam, ngòi bút thả trôi trên dòng mực qua
quyển tạp bút ''Một Mảnh Tình Riêng''
Độc giả chúng ta yêu thích Sơn Nam qua những quyển tập truyện phong tục như: ''Hương Rừng Cà Mau'', ''Hai Cõi U Minh'', ''Vọc Nước Giỡn Trăng''.... Nhưng anh còn viết những truyện dài có nghệ thuật cao hơn, cảm hoài thân thế cho những kẻ sinh bất phùng thời, làm cho người đọc không sao khỏi ngậm ngùi như ''Chim Quyên Xuống Đất'', ''Hình Bóng Cũ''...
Sơn Nam là một nhà văn rất sâu sắc về nhân tình thế thái. Tư tưởng và ý tình trong văn chương của anh không cần dựa một hệ thống tư tưởng triết học nào, một sở tri về tâm linh của một tôn giáo nào. Anh đi đây đi đó nhiều, nhất là đi ngao du khắp miền Hậu Giang, thu thập rất nhiều kinh nghiêm sống. Anh chiếm nghiệm những lời nói các bô lão về cuộc khai hoang khẩn đất ở miền Cực Nam và Tây Nam đất nưóc qua các quyển ''Tìm Hiểu Đất Hậu Giang'', ''Đồng Bằng Sông Cửu Long'', ''Văn Minh Miệt Vườn'', ''Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam''... Anh rút tỉa những nhận xét đầy kinh nghiệm sống của họ, đầy sự luyện đạt nghệ thuật sinh tồn và ý chí khắc phục thiên nhiên của họ trong công việc mở rộng chiều dài của đất nước. Rồi đó anh đưa những điều ghi nhận của mình gán vào miệng những cụ già của ống vố dễ thương hay trám vào mồm những nhân vật cà chớn. Nhưng những lời của kẻ thông minh tinh nhuệ hay những ý nghĩ của kẻ thật thà chất phác một khi được Sơn Nam đua vào tác phẩm của anh cũng giúp cho chúng ta suy nghĩ về công trình của lớp tiền nhân trong cuộc Nam tiến để tìm đất mới. Cái thâm trầm sâu sắc của Sơn Nam trong nề nếp tư duy tương phản cái bộc trực thành khẩn của Bình Lộc quá rõ rệt.
Sau những quyển sách mà bút giả HTA đã kể trên, tài nghệ của Sơn Nam giảm thiểu rõ rệt. Các quyển ''Vạch Một Chân Trời'', ''Bà Chúa Hòn'' là những quyển tiểu thuyết phiêu lưu, phóng tác theo kiểu mượn đầu cá vá đầu tôm các cuốn truyện hay các cuốn phim phiêu lưu ngoại quốc, phần kể truyện húng hiếp và lấn át phần viết văn.
* * *
''Một Mảnh Tình Riêng'' do nhà xuất bản Văn Nghệ Thành Phố HCM (1993) trình làng. Đây là một cuốn tạp bút , không đề cập những vấn đề cùng chung một chủ đề hay cùng chung một hệ thống vận sự. Đây chỉ là quyển sổ tay văn nghệ được chi tiết hóa, ghi nhận những điều gì thoáng qua đầu óc tác giả, vần vũ khá lâu rồi sa mưa trong cõi cảm hứng của anh. Cho nên Sơn Nam phân trần:
Tập sách nầy, tôi tạm gọi là bút ký, nhớ chuyện xưa rồi viết theo sự nhận định theo tình cảm ngày nay. Hồi ký thường là loại sách dành cho người làm chính trị. Về phần tôi chưa bao giờ được ai giao phó cho ký tên, đóng dấu văn kiện nào cả (nếu được giao ắt làm không xong). Về văn chương, sự nghiệp văn là ''sương khói mờ nhân ảnh''. Tôi cố gắng giữ cái gọi đại ngôn là ''dũng cảm nhỏ'', tức là cái liêm sĩ tối thiểu, qua nhiều hoàn cảnh éo le. Khổ nhất là văn chương phải in thành sách, in công khai cho người đương thời đọc. Làm văn chương mà mãn đời không viết một chữ, để giữ tiết tháo đuợc chăng? Nên tin độc giả. (các trang 152, 153)
Lời trần tình (hay lời biện hộ đây?) chứng tỏ Sơn Nam viết cuốn sách này lâm vào thế kẹt. Muốn nó được Nhà Xuất Bản Thành Phố HCM chấp nhận xuất bản, anh phải vâng theo chỉ thị của Nguyễn Quốc Thủ (chịu trách nhiệm xuất bản) và Đinh Quang Nhã (chịu trách nhiệm bản thảo). Cho nên Sơn Nam dùng nhiều tiếng khó nghe, chẳng hạn ngày Sài Gòn bị bọn Cộng Sản cưỡng chiếm, anh dùng tiếng ''ngày miền Nam được giải phóng''. Anh gọi phe Quốc gia là ''địch''. Và anh không quên chêm vào đoạn tố chính quyền Quốc Gia:
... Nhớ lại trước ngày Giải Phóng, vụ ký giả ăn mày, tôi bị bắt vì tình nghi cán bộ nằm vùng, thật ra, về tổ chức, tôi chẳng bao giờ nằm vùng, chẳng qua tôi làm nghĩa vụ con dân. Địch tra tấn, nhắc lại làm gì. Tra tấn để cho mình mất nhân phẩm, đã mất nhân phẩm rồi thì phải khai (để bảo vệ cái gì đây?). Ấy thế mà phải ký tên thú tội vu vơ. Tôi nghĩ rằng giới chuyên điều tra thuở ấy không bao giờ tin lời khai của tội nhân nếu chưa tra tấn. Tra tấn, ắt khai thác được thêm điều bất ngờ. Bị tra tấn rồi mình khai là chúng yên tâm... (trang 74)
Đây rõ ràng là sự nhượng bộ, sư hy sinh phế bỏ cái ''dũng cảm nhỏ'' của anh Sơn Nam. Anh phải ngắt véo phe Quốc Gia chút đỉnh để đuợc in sách. Cái liêm sĩ của anh bị trầy trụa hay bị sứt mẻ, nhưng chưa mất sạch sành sanh. Công bình mà nói, chính quyền ở các nước tự do nào cũng có việc thận trọng khi lập ra pháp lý luật lệ. Song song đó vẫn đầy nhan nhản kẻ hành pháp vi phạm luật lệ vì sai lầm hoặc vì hối mại quyền thế. Anh không chửi thẳng tay chính quyền cũ và ca tụng chế độ mối một cách trơ trẻn và đê tiện, khác biệt với Xuân Diệu và Huy Cận đã từng nã súng cối vào xã hội Miền Nam Việt Nam để đánh bóng chế độ Cộng Sản. Anh chỉ viết cảnh anh bị nhốt tù vì tội xuống đường theo giới báo chí nổi loạn chống ông Hoàng Đức Nhã. Chúng ta cũng thừa biết ông Nhã đã từng hà hiếp báo giới làm cho các ký giả phải điêu đứng trong việc hành nghề mưu sinh, sắp chống gậy ăn mày.
Ở ''Một Mảnh Tình Riêng'' tác giả phân trần và giải thích về công việc viết chuyện xưa của mình. Quan niệm và nhận định của anh giúp anh trội hơn nhân sinh quan trong các tác phẩm của những cây bút gốc Nam Kỳ kỳ cựu:
Viết lại chuyện xưa, theo ngẫu hứng, như người say rượu đời, bổng dưng muốn đốt ngọn nến nhỏ để lục lạo trong hang tối của ký ức. Gặp nào mảnh giấy vụn, cây bút cũ, những tấm thiệp của bạn bè mời đám tiệc, quyển sách nào đó bị chuột, dán gậm nhấm vài trang. Đi tới đi lui, như bóng ma, vách hang ẩm ướt, thỉnh thoảng đạp nhằm cái búa, cây đinh chẳng biết đó là món gì vì đã sứt gãy nhưng không đành ném bỏ, nhưng để dành mà làm món đồ chơi cho trẻ con, vân vân và vân vân... Ngọn nến đã tắt, nhưng bóng ma của ta cứ lầm lũi bước tới, bỗng dưng sẩy chân, rơi vào hố thăm thẳm. Ta đi suốt cái hố sâu ấy, dè đâu lại trở lên mặt đất. Đôi mắt hoa lên, như kẻ mất hồn, ngỡ hồn mình còn bị giam hãm trong hang. Hang động nầy cạn nhưng xoáy trôn ốc, đủ chiều, chợt bắt gặp quyển Agenda mà năm tháng đã mờ nhạt, trong ghi lung tung vài địa chỉ, số điện thoại ai đó. Gặp cái đồng hồ đã ngừng chạy, nhưng thử đặt sát vành tai, như đứa bé dạo chơi bãi biển, bắt gặp cái vỏ ốc, đặt vào tai nghe tiếng nhạc, ngỡ là tiếng ru của biển cả. Đứa bé cười thỏa mãn: mình phát hiện một hiện tượng độc đáo mà những người lớn tuổi đang đùa giỡn với sóng biển, đang bấm máy ảnh chưa bao giờ biết thưởng thức. Một kiểu tham quan chốn chốn âm phủ. Cái Thiên đàng mà mình mơ ước có hay không có? Nó ở đâu? Làm sao tham quan?
Cái Thiên đàng ấy là hiện tại cuộc sống, và địa ngục cũng xen lẫn trong đó. Trong bài tán đức Phật có câu: ''Tọa bồ đề tòa, đại phá ma quân'' Ngồi bên gốc
bồ đề ngài đánh tan lũ ma quái, những dâm nữ lõa lồ múa ca uốn éo. Nghệ thuật, trong đó có bộ môn văn thơ, kịch... là cách nói láo dựa vào chút ít thực tế, cho ra láo để rồi ta dựng nên một tác phẩm thật hơn sự thật, một thế giới riêng bay lơ lửng trong không gian với những hình ảnh khi mờ khi tỏ, tan hòa vào trong tiềm thức của con ngưòi là độc giả, khán giả. Kiểu đúc kết nầy có lẽ nhiều nhà lý luận đã nói hết rồi, nhưng tôi tâm đắc theo kiểu của tôi. Cuộc sống hằng ngay là một Thiên đường, nhưng là Thiên đuờng nát ra từng mảnh vụn, không trọn vẹn, may ra đến chết ta mới ráp lại được. (các trang 36, 37)
* * *
Gặp bất kỳ quyển sách nào của Sơn Nam, loại truyện dài, loại truyện ngắn hay loại biên khảo, chúng ta chỉ muốn tìm hình ảnh vùng Hậu Giang vì có ai khai thác vùng đất ấy trong văn chương bằng anh? Quyển tạp bút ''Một Mảnh Tình Riêng'' cũng có nhắc tới một vài địa danh ở đất Hậu Giang, nhưng tác giả áp dụng cách diễn tả bằng văn chương trong các quyển địa phương chí. Văn chương như thế không làm thỏa mãn những độc giả chuộng cách hành văn miêu tả đầy nét tạo hình mà chỉ làm phì nhiêu mảnh đất kiến thức của độc giả mà thôi. Xin đọc một đoạn tác giả nói về quê quán của mình. Đó là một xóm nhỏ ở rạch Tràm Chẹt:
Mẹ tôi đi làm dâu nơi xa nhà hàng năm mươi mấy cây số ngàn, đường giao thông hồi đầu thế kỷ khó khăn, vượt rừng, qua hai con sông đầy sóng gió. So với rừng U Minh là quê cha tôi, xứ của mẹ tôi tương đối văn minh hơn, nhờ ảnh hưởng của nước ngọt quanh năm từ sông Hậu đổ xuống. Gọi thứ nước ấy là ''nước bạc'', theo nghĩa trắng đục, không đỏ vì phù sa sông Hậu đã lắng bớt dọc đường; nhờ nước ngọt mà trồng được cây cảnh, thí dụ như nguyệt quí, ngâu, vạn thọ. Dưới rạch thêm vài loại cá nước ngọt như cá tra, cá mè vinh mà phía nước mặn không có. Lâu năm lắm mẹ tôi mới về quê thăm xứ một lần, tình trạng nầy tôi thử hư cấu, qua truyện ngắn Gả Thiếp Về Rừng, ''Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?''. Qua sông Cái Bé thì dễ, nhưng gian nan nhứt là qua sông Cái Lớn, hai bên rừng rậm với cây bần cổ thụ. Tôi nhớ rõ: Khỉ và gà rừng ra đến tận mé sông, khỉ dạn dĩ đến mức ném trái bần xuống để xua đuổi ghe xuồng đậu bên bờ lúc ăn cơm. Lại đồn rằng thỉnh thoảng sóng thần hiện lên, nhận chìm ghe lớn nhỏ. Sông Cái Bé và sông Cái Lớn chảy song song nhau, khi gần ra biển có con rạch nhỏ ăn thông qua lại gọi là Tắc Cậu, rạch Tắc này nổi danh với ngôi miếu thờ Cậu, tức là thờ con bà Chúa Xứ, ghe buôn khá giả khi ngang qua thường đốt pháo để xin phép, cầu xin Cậu ban ơn. Vượt qua sông Cái Lớn vẫn là nan giải, vàm sông khá rộng, gần đấy, mặt biển dâng cao, luôn đầy sóng gió. Qua được nửa sông, rủi gặp giông, chẳng tài nào trở vào bờ cho kịp. (trang 8)
Theo dõi cuộc bút trình của Sơn Nam qua quyển tạp bút ''Một Mảnh Tình Riêng'', đối với độc giả thích tìm thú giải trí trong các quyển tiểu thuyết diễm tình, trinh thám, kiếm hiệp... họ sẽ thấm mệt đến hụt hơi. Trong 150 trang sách với kiểu chữ vừa (corps 10), anh gói ghém biết bao là vận sự, biết bao là vấn đề, biết bao là nhân sinh quan. Anh bàn qua Phật giáo ở quyển ''Trường Bộ Kinh'', ở ''Diệu Pháp Liên Hoa Kinh'' (tức là ''Kinh Pháp Hoa''), rồi bàn đến cái nét tiêu cực của dân tộc Việt Nam qua mẩu chuyện bà Phiếu mẫu biếu cơm cho Hàn Tín khi ông ta chưa gặp thời thanh vân đắc lộ. Và từ đó, anh nhảy qua việc đi khẩn hoang, rồi chuyện anh hùng Nguyễn Trung Trực kháng Pháp, chuyện sáng tác văn chương, chuyện cụ Phan Bội Châu, chuyện bà vú Miên của anh, chuyện quê ngoại của anh, chuyện đứa bé ngồi bất động trong căn chòi lá bên dòng rạch Trâm Bầu, chuyện bão lụt năm Thìn... Tới đây, chúng ta nhìn kỹ lại số trang, mới hay chúng ta chưa đọc hết 10 trang sách.
Nẻo về của ý của tác giả có nhiều lối rẽ, có nhiều khúc quanh theo kiểu dây chuyền, hết chuyện cây cà bắt qua dây rau muống, hết đầu Ngô bước qua đuôi Sở. Cái nguồn cảm hứng của anh chuyền từ vấn đế này sang vấn đề khác như con vượn chuyền cành. Cái ý tưởng của anh phóng vùn vụt như con tuấn mã phi nưóc đại trên dăm ngàn thênh thang, băng qua miền thảo nguyên bao la.
Cách viết những mẫu chuyện vụn vặt theo kiểu địa phương chí như chuyện chào đời và cáo chung của tạp san Nông Cổ Mín Đàm, chuyện Phan Xích Long dùng bùa phép khởi nghĩa chống Tây... đã từng đưọc Vương Hồng Sển nói tới trong quyển ''Sài Gòn Ngày Nay'' và do Hứa Hoành đưa vào bộ ''Nam Kỳ Lục Tỉnh'', cho nên đối với độc giả tìm hiểu chuyện xưa không còn là chuyện lạ nữa.
Ở quyển ''Một Mảnh Tình Riêng'', chúng ta bị Sơn Nam quyến rũ không ở cái nghệ thuật tái sinh nếp sống Hậu Giang từ thuở khai hoang dựng đất cho tới 5 năm đầu của thập niên 40. Chúng ta có cơ hội thích thú theo dõi những nhân sinh quan của anh một cách thống khoái. Những nhân sinh quan ấy bắt nguồn từ những kinh nghiệm sống của anh. Và cũng có thể là những ý nghĩ vụn vặt mà anh đã gặt hái trên sách vở để rồi anh phân tích hoặc tổng hợp thành ý tình và quan niệm riêng của anh. Tuy nhiên những nếp suy nghĩ dù là của ai, nhưng một khi đuợc anh tổng hợp thành ý nghĩ và được anh đưa vào trang sách cũng phải dựa vào kinh nghiệm của anh, chúng phải được lột xác để gần gũi với cái Chân, cái hợp lý và cận nhân tình.
Về tập tục và tín ngưỡng, Sơn Nam viết:
Người nông dân Việt trong số có người từ khắp miền đến lập nghiệp, lần hồi trở thành dân Sài Gòn, trọng Trời đất quỉ thần. Thờ nhiều vị thần như chư vị ngũ hành, bà chúa Xứ, cá Ông. Điểm nầy khác hẳn với tín ngưỡng phương Tây. Tin nhiều vào quỉ thần đến mức mê tín vẫn là đồng nghĩa với ''không quá tin vào cái gì cả''. Nhiều vị cai tổng, đốc phủ sứ hoặc Việt gian hạng nặng vẫn bám giữ thần thánh để tìm nơi nưong tựa. Từng làm nô bộc cho thực dân Tây Phương, hưởng bổng lộc nhưng khi về già họ lại tin vào đình miếu, Lăng Ông Bà Chiểu, sát nách Sài Gòn phải chăng để cân bằng với nhà thờ Đức Bà ở đầu đường Catinat và những chùa Ông, chùa Bà ở Chợ Lớn? Nhiều người theo thực dân nhưng vẫn thích hát bội, hát cải lương, ăn cơm với đũa, với tô canh công cộng, không thích muỗng nỉa và cái lệ trải náp bàn ăn. Thích ăn bánh mì thịt vào buổi sáng (không tốn chén đũa, nước mắm), thích thụt bi-da như người Pháp vì gọn gàng, hấp dẫn, nhưng chỉ đến mức ấy mà thôi. Ngày Tết đốt pháo, rước ông bà, chưng nhánh mai vàng, ăn bánh tét, bánh in. Ăn Tết cổ truyền, đi đình chùa nhưng vui chơi, dịp lễ Noel, ăn sinh nhật cho con, bắt chước thổi tắt mấy ngọn nến. Để tang màu trắng, với nhà sư tụng kinh. Hiếu thảo với cha mẹ, giữ nghĩa với bạn bè... (các trang 103, 104)
Quan niệm về nghệ thuật của Sơn Nam vẫn là quan niệm vừa sâu sắc vừa dí dỏm như quan niệm của Võ Phiến. Anh không phải là nhà văn tư tưởng. Nhưng văn chương anh rất cận nhân tình, gây lý thú bất ngờ cho người đọc qua những lồi khề khà của một bợm nhậu hào sảng trong lúc rượu vào lời ra. Nhưng coi chừng đó, những lời theo hơi men tuôn ra từ cửa miệng anh thưòng làm chúng ta nghĩ ngợi:
Nàng Nghệ thuật luôn giữ nụ cười ỡm ờ, mơ hồ. Hỏi: Tôi xứng đáng là nghệ sĩ chưa? Nàng Nghệ thuật cười. Hỏi thêm: Tôi không xứng đáng là nghệ sĩ, phải vậy chăng? Vẫn nụ cười, nhưng lạnh lùng, đối với tất cả mọi người. Đã dấn thân rồi, người nghệ sĩ không thể rút lui. Có lẽ khi gần nhắm mắt mới thấy nàng nghệ thuật từ xa, đến với nụ cười khó hiểu. Xin hẹn kiếp sau.
Vì vậy từ ngàn đời trước đến ngàn đời sau, Nghệ thuật vẫn còn đó, đỉnh cao vẫn chưa ai đạt đến. Người leo núi kiểu nầy, theo con đường này, kẻ theo kiểu khác quanh co. Như những nhà khoa học, những bác sĩ nghiên cứu bịnh SIDA . ''Tôi muốn được chết một cách tuyệt vọng, trong cơn tuyệt vọng''. A Gide đã viết như thế.
Ý nghĩ tự sát đã đến với vài nhà văn. Gérard de Nerval đã cao hứng, thắt cổ ngoài đường cái. Nhưng khi chết vì tự sát, có gì chắc được nàng Nghệ thuật đón rước, tặng bằng khen? Bởi vậy, nhiều người thích sống, ăn uống, rượu thịt bất chấp nhục vinh, dư luận để... tự tử chậm, kiểu tự tử nầy dường như dễ chịu hơn. Vừa hèn nhát, vừa can đảm. (trang 60)
Còn về vấn đề tài năng văn chương mà người đời tâng bốc lên mức thiên tài thì sao? Sơn Nam trình bày cho chúng ta thấy góc độ cái nhìn của anh như sau:
Về đời tư người làm văn nghệ, thỉnh thoảng tôi nghe vài người bình phẩm: Chàng nầy bịp bợm, thiếu khiêm tốn, cô hay bà nọ thích lăng nhăng, thế kia Người làm văn nghệ ưa uống rượu, nhưng đâu phải chàng say nào cũng là nhà văn, nhà thơ giỏi. Một bạn trẻ bất hạnh, mắc bịnh phong (cùi, hủi) đã nói trong lúc vui miệng: ''Nếu làm thơ, mình sẽ là nhà thơ quá dở, nhưng lấy làm hân hạnh là Hàn Mặc Tử cũng từng mang bịnh phong. Cũng là bằng cớ khiến cho thiên hạ thấy kẻ bịnh tật lắm khi có tài năng lớn!''. Cách đây vài mươi năm, chưa ai nói đến trăm năm, nước nào cũng có vài nghệ sĩ xuất sắc, bỗng dưng im hơi lặng tiếng. Vài nhà phê bình đã chứng minh chẳng qua nghệ sĩ ấy bi quan, bị hành hạ vì bịnh ''hoa nguyệt''. Trước khi có phát sinh thuốc trụ sinh, bịnh nầy là nan y . Chẳng lẽ ta đặt giả thiết nếu không mang bịnh ngặt, chàng nọ sẽ là kẻ bất tài vô tướng. Trong giới văn nghệ, vài bạn đầy thiện tâm, thiện chí nhưng chọn lầm con đường: thay vì làm giáo viên dạy Việt văn xuất sắc, anh ta lại sáng tác rồi trở thành nhà phê bình cay đắng, hằn học, với thái độ tự tôn. Rằng nếu ta chịu làm văn nghệ, ta sẽ giỏi hơn người đã bị ta phê bình. Trường hợp vài người đã lớn tuổi, có con, có cháu, làm ăn không khá, nhưng khoe khoang: Thằng Giáp nọ thằng Ất kia hồi ở Việt Nam làm ăn dở, còn thiếu nợ tôi, nếu tôi vượt biên, tôi sẽ làm giàu gấp mười nó. (các trang 115, 116)
* * *
Trong quyển '' Một Mảnh Tìng Riêng'' có hai vận sự đáng chú ý như chuyện gánh Kim Thoa vừa sau Hiệp Định Genève trình diễn vở ''Lấp Sông Gianh'' bị một quân nhân tung lựu đạn trên sân khấu, chuyện nhà văn Bình Nguyên Lộc sáng tác truyện ngắn ''Rừng Mắm''.
Hình như vào năm 1955 thì phải, nữ nghệ sĩ Kim Thoa một trong 4 cô đào chánh đại ban ca kịch cải lương Phụng Hảo (gồm Phùng Há, Thanh Tùng, Kim Thoa, Bích Thuận) sau khi gánh này giải thể, cô ta bèn dựng nên đoàn ca kịch Kim Thoa. Vở tuồng khai trương là ''Lấp Sông Gianh''. Nhưng vừa trình diễn thì trái lựu đạn tung lên sân khấu, giết chết nam nghệ sĩ Ba Cương và làm cho soạn giả kiêm kịch sĩ Duy Lân bị thương nặng phải cưa một giò. Kỳ trình diễn khai trương áy, Sơn Nam theo thi sĩ kiêm soạn giả cải lương Kiên Giang Hà Huy Hà được mời vào xem. Theo anh tường thuật thì:
... Lấp Sông Gianh, tự cái nhan đề gợi ý thức xóa bỏ phân chia Bắc-Nam, người Việt cùng chung dân tộc. Trên sân khấu, từng đoàn người dùng thúng đựng đất đổ xuống con sông tượng trưng rồi một diễn viên nói to: ''Chúng ta là nạn nhân của một chế độ đau lòng'' Tức thì một tiếng nổ ầm, lóe sáng, đèn sân khấu vụt tắt. Có tiếng kêu rú. Tôi nắm tay anh Kiên Giang: '' Lạ quá, mình chạy ra''. K.G nói tỉnh táo: ''Ảo thuật trên sân khấu''. Nhưng rồi mọi ngươi ùn ùn tuôn ra đường cái. Lựu đạn nổ! Ai là thủ phạm? Dễ hiểu quá. Hôm sau, phía ''Quốc Gia'' tung dư luận, đó là sự căm thù tự phát của một anh ''lính Quốc gia'', lén đem lựu đạn vào rạp. Sau đó, chẳng nghe truy tầm, công bố tên họ thủ phạm. (trang 26)
Như chúng ta biết, Bình Nguyên Lộc sinh trưởng ở Tân Uyên (Biên Hòa). Cho nên văn chương của anh lấy những địa danh miền Đông Sài Gòn làm bối cảnh như: Biên Hòa, Tân Uyên, Đất Bái, Bình Dương, Lái Thiêu, Lò Chén Chòm Sao ở xã Hưng Định (Lái Thiêu). Thế mà trong truyện ngắn ''Rừng Mắm'', anh lại lấy khung cảnh vùng duyên hải Cực Nam đất nước. Truyện nầy gây tiếng vang dữ dội, thắp sáng huy hoàng cho văn nghiệp của anh. Xin hãy nghe Sơn Nam kể lại hành trình ngòi bút của Bình Nguyên Lộc từ thuở thai nghén và sinh đẻ ra truyện ngắn bất hủ này:
... Truớc kia trong tuần báo Nhân Loại, anh (tức là Bình Nguyên Lộc) hỏi về khung cảnh vùng biển phía Tây, đặc biệt là mũi Cà Mau. Và thú nhận anh chỉ đi đến chợ Cần Thơ, bờ sông Hậu mà thôi. Vì yêu mến phía Rạch Giá, Cà Mau mà nhiều người cho rằng kém cỏi về văn hóa, anh nhờ tôi cung cấp vài tư liêu cần thiết về cây đước, cây măm. Tôi bảo rằng mắm là lính tiên phong giữ đất, cây đước xuất hiện sau lưng cây mắm. Và để gây không khí, tôi tìm đến anh bạn Trần Tán Thanh từ chiến khu về, từng là chủ lò than ở Cà Mau. Anh Thanh bèn tìm giấy bồi thứ cứng, loại cạt-tông cách nhiệt ; vài hôm sau anh trao cho tôi bức tranh đơn sơ: nước gần bờ đục ngầu, ngoài khơi thì xanh, thấp thoáng bóng dáng Hòn khoai, vẽ miễn phí. Đem ức tranh tới nhà anh B.N.L, tôi thấy mình đã làm xong sứ mạng, giữa bạn bè văn nghệ, tạo cho nhau nguồn hứng là sự đóng góp quí giá nhất. Một tuần sau, anh viết xong chuyện Rừng Mắm, tôi nhớ lần đầu tiên ra mắt ở tạp chí Bách Khoa, anh ghi lời: ''Tặng họa sĩ Trần Tấn Thanh''. Như tiếng sét vang, truyện nầy tạo thanh thế cho anh, bạn bè nể mặt, mãi đến nay, người thuộc lứa tuôi 60 cứ nhắc nhở... (trang 24)
* * *
Sơn Nam là một nhà văn có tài, một nhà văn lớn. Vào hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam, anh mang tiếng là kẻ nằm vùng. Nhưng hoạt động của anh cho Cộng Sản không mấy quan trọng, hầu như không có. Vào cuộc đổi đời chắc anh cũng sáng mắt vì dù được bọn Cộng Sản đãi ngộ, nhưng anh vẫn không được tự do cầm bút như thuở xưa. Vẫn phải sống theo chế độ, nhưng anh không hoàn toàn buông xuôi. Anh gắn gượng níu lại chút liêm sĩ cuối cùng để khỏi ca tụng xả láng chủ nghĩa mà anh đã từng lầm lạc theo đuổi từ đầu mùa khói lửa vào giữ thập nien 40.
Sơn Nam không có cái sĩ khí lẫm liệt như nhà văn Lao Xá trước bạo lực của cuộc Cách Mạng Văn Hóa do Giang Thành cầm đầu. Anh cũng không hèn nhát như Quách Mạt Nhược chạy theo bạo quyền, ca tụng mụ Giang Thanh và nhóm Vệ Binh Đỏ không hề biết tiết kiệm lời tâng bốc, để rồi khi Giang Thanh bị hạ bệ, Quách văn gia quay lại công kích kẻ mà ông đã từng suy tôn ca tụng.
Bút giả nghe nói gần đây nhà cầm quyền Cộng Sản cho phép dựng tượng Sơn Nam trong đô thành Sài Gòn, nhưng không rõ ở đâu. Ước mong sau này, nếu phe Quốc Gia chúng ta giành lại chủ quyền trên đất nước, tượng ấy sẽ không bị phá hủy. Sơn Nam là kẻ đáng thương hơn đáng ghét đáng khinh dù phẩm tiết anh vấy bùn lam nham đi nữa. Cái tài hoa cùng cái công trình văn chương của anh làm sao chúng ta có thể phủ nhận ?
Các quyển biên khảo chế độ cũ đã từng dựng tượng cho Sơn Nam trong khu vườn văn chương của Miền Nam Việt Nam từ lâu rồi. Dù cái tượng bằng đá hoa cương hay bằng xi-măng cốt sắt của anh có bị phá hủy đi nữa thì những trang sách viết về Sơn Nam cũng đủ làm thành những bức tượng nguy nga tráng lệ cho anh rồi.

Hồ Trường An

Hết

Không có nhận xét nào: