Đinh Hùng Cường

Thư Noel 2011, Năm mới 2012.
NguyễnChí Thiện- Đinh Hùng Cường
và NguyễnTâm Hàn
Thưa qúy vị:
Thật không ngờ, khi tôi viết lá thư Noel chót của năm 2000 để chúc phúc, và chúc thọ quí vị, thế mà thấm thoát đã hơn một thập niên qua đi nhanh chóng cho thiên niên kỷ 21 này. Mười một năm không cầm bút, tôi nghĩ là đã hết đề tài, nhưng không, năm nay tôi xin có câu chuyện để kể. Thực ra năm 2011 là năm quá ngắn cho tôi, vì một tai nạn đã xảy ra   làm gãy băng hai cái chân, tôi phải năm nhà thương, dưỡng bệnh mất  đến 6 tháng trời.
Để có đủ năm 12 tháng, xin cho tôi bắt đầu từ tháng 5  của năm 2010..
Là thời gian chúng tôi lấy nhau được 40 năm, Trâm muốn làm một tiệc mừng kỷ niệm “Cuộc Chiến Chưa Tàn Của 40 Năm Nội Chiến Từng Ngày” thật xôm tụ. Anh Trần Lựu, một người bạn tốt, sẵn lòng chi vài ngàn dollars để mời một ca sĩ thật chiến từ Cali qua hát.  Nhạc sĩ  Hoàng Cung Fa & Hoàng Dung sẽ chơi ban nhạc, và lo chương trình văn nghệ. Tiệc tùng, bia  rượu con cái sẽ lo đễ đãi khoảng 200 quan khách bạn bè.  Thật to, thật huy hoàng vĩ đại cho đời tôi, Một thoáng chạnh lòng đã làm tôi hồi tưởng lại những ngày cực kỳ đói rách xa xưa, không cơm áo, không nhà cửa. Gia tài vốn liếng chỉ có cái ba lô, khẩu súng và cái võng đeo lưng. Trên con đường chiến chinh vô định, tôi thường mắc võng nơi gốc cây để dỗ giấc ngủ qua đêm . Bởi thế, vợ hiền tôi thường buông những lời thật là chua chát mỗi khi chúng tôi choang nhau. Vợ cho tôi là người Việt danh giá, nhà tôi to như cái nhà .. binh vậy, và tôi không phải người Mỹ gốc Việt, mà là người Việt Gốc Cây. Vì nhà to quá, to như nhà binh nên phải ngủ ở gốc cây. Nhưng rồi cuộc đời đổi thay. Hôm nay tôi đang ở Mỹ, sống trong một căn  nhà tiện nghi, khang trang. Nhưng đời chợt đến chợt đi. Ai ngờ cuộc chơi của chúng tôi được bạn bè thương yêu chuẩn bị tưởng như chu đáo, chỉ còn non một tháng nữa là đến ngày tiệc, thì một tai nạn bất ngờ đã xảy đến, tôi dừng xe đứng đợi để quẹo trái, thì một chiếc xe đi ngược đường, chạy như bay, như biến đâm xầm vào đầu chiếc xe của tôi. Tai nạn làm tôi suýt chết, tôi nằm nhà thương mà mặt mày sưng u như cái mâm. Tôi bị choáng váng đau đầu, chóng mặt quay cuồng, không ngồi dậy được, không cả lái xe cho đến mấy tháng. Tiệc lớn, tiệc nhỏ thôi đành hủy bỏ. Mong sao cho mau qua cơn hoạn nạn ngặt nghèo. Rồi thời gian một năm  vùn vụt trôi nhanh, thấm thoát đã gần đến ngày kỷ niệm “Cuộc chiến chưa tàn của năm thứ 41”. Vợ chồng bỗng nhợn, sợ lại bị như năm ngoái, không giám làm ra trò, chỉ tổ chức lúi xùi, mời dăm ba người bạn thân thiết mà thôi. Trâm bảo tôi là cái đèn to 36 ngọn nến ở giữa nhà đã tắt cả năm nay, nên gọi thợ chữa, cho nó sáng sủa tiếp đón bạn bè. Anh Thanh thợ điện, người việt lai Iraq, tôi thường gọi đùa là quốc vương Iraq, anh nặng cỡ hơn 200 pounds, đến sửa điện dùm, loay hay làm sao đó mà anh đã ngã đè lên người tôi ở trên sàn nhà. Vừa hết tai nạn xe hơi, lại tới tai nạn gẫy chân. vừa què, vừa phải tập. Tôi đã sống những phút vô cùng đau đớn trong trung tâm chỉnh hình để tập tành cho máu  không bị đóng cục tránh bị “Stroke”,  và luyện cho hai chân không bị teo đi, để có thể đi lại được bình thường.

Con cái bốn đứa tuy thương bố nhưng không thể chia sẻ công việc, đứa lớn lo chồng, đứa nhỏ lo vợ, đứa bé lo con. Thế là trăm dâu đổ đầu tầm, việc nhà việc cửa, việc to việc bé vợ tôi phải lãnh hết. Từ việc thầu làm khu chung cư ở Arlington, đến việc định giá, trả thuế, lo thợ, và nuôi tôi. Rồi thêm một công tác xã hội là xin tiền gây quỹ cho ngày “July four”. Suốt ngày quần quật, đến tối không được ở nhà ăn cơm, vì nhà thương đóng cửa không cho thăm lúc 8:00 giờ, ăn ở nhà xong thì quá trễ, không thể thăm chồng, và cứ thế hằng đêm, người vợ cần cù đi làm về, tắm rửa, thổi cơm xong là leo lên xe hộc tốc chạy vô nhà thương, vừa thăm chồng vừa nuốt miếng cơm. 9:00 giờ đêm, người vợ lại lủi thủi rong ruổi trên con đường dài hun hút từ Centre Ville về đến Great Falls.  Dù khuya khoắt, cũng phải lên máy vi tính, cập nhật tiền bạc, báo cáo thu nhập mỗi ngày trên máy cho cô bác.  Tấm thân vô tích sự của tôi, đã làm khổ mình,  khổ vợ, khổ bạn bè.  Biết bao người thân quen tôi, bạn cùng tu, anh em đồng môn, trưởng thượng, ai ai cũng tận tình thăm viếng hỏi han. Tôi thật cảm động, xin cảm ơn mối ân tình sâu xa quí hiếm này.

Một người bạn Mỹ tên Rusty từ Gainesville Texas, cũng “phone” lên hỏi thăm, Rusty nói là nhờ coi trong “Face Book” mà anh đã biết tôi bị gãy chân, để ít tháng khi chân tôi bớt đau, anh ta  sẽ lên chơi. Rusty là người bạn Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi cùng bay chung trên một chiếc L19, hướng dẫn hai sư đoàn Mỹ, 1 và 25  bộ binh hợp cùng sư đoàn 5 Việt Nam,  quần thảo với Việt Cộng suốt hai giai đoạn tấn công khốc liệt của tết Mậu Thân. Năm 1975, Rusty đã bảo trợ gia đình tôi tới Mỹ, và năm 2005, Rusty đã giới thiệu một người con gái của bạn từ Texas tên Mary Margaret cho cháu Phị. Giờ đây hai cháu đã thành vợ chồng, có chung với nhau một đứa con gái 7 tháng. Hôm 17 tháng 8 vừa qua, Rusty gọi và nói là sẽ lên D.C. thăm tôi, anh cẩn thận cho chuyến bay và giờ đáp. Nhưng 12giờ trưa hôm sau, Rusty đã phone tôi khẩn cấp nói là anh bị còng tay bỏ vô tù, đừng đi đón. Tôi cố kêu lại tìm hiểu lý do, nhưng phone của anh anh tiếp tụo reo mà không trả lời. Tôi vội vã gọi cho Jan vợ của Rusty thì bà này cũng không hiểu ất giáp chi cả. Chỉ biết Rusty dời nhà lên phi trường George Bush để đi thăm tôi và bị bắt.

Ngày sau tôi mới rõ ngọn ngành, mấy bữa trước Rusty có xuống vùng biên giới Mexico để dự đám ma một người bạn, vì là vùng bất ổn, anh lại mới mua một chiếc xe đắt tiền, chàng cẩn thận vì sợ cướp bóc, nên đã mang theo khẩu súng, khi trở về, vì vội vã lên thăm bạn, nên đã quên lấy khẩu súng ra khỏi cái sách tay. Khi qua hàng rào kiểm soát, nhân viên an ninh đã rà ra khẩu súng, và anh bị còng tay tức thì và tống giam vô tù về tội

tình nghi “Terrorist”, mang súng để cướp tàu bay. FBI giữ bí mật, không cho Rusty liên lạc để tìm bắt thêm đồng lõa. Hai ngày sau Rusty được luật sư đóng tiền thế chân $4,000.00 để ra khỏi tù, và ông Luật sư bắt Rusty phải trả phí tổn thêm $5,000.00 nữa để

can thiệp toà án sửa đổi tội tình nghi “Terrorist” thành tội bất cẩn, sau đó xin bãi nại.

Rusty ra khỏi tù, anh vẫn quyết định đi thăm tôi. Khi đón anh ta ở phi trường, anh không đòi ăn uống gì cả, chỉ mau mau xin về nhà đi tắm một cái. Hai ngày trong tù làm anh hôi hám bẩn thiủ quá sức. Nhất nhật tại tù, thật khổ. Rusty kể:

Tay to quá, còng thì bé xiết vô tay làm đông máu, bàn tay sưng húp, đau tê như  muốn rụng. Thân thì to, chỗ nằm quá chật, không dựa nổi cái lưng, ê ẩm suốt cả đêm không ngủ được. Sợ tù nhân nhét giấy vô mồm tự tử, nên toilet không có giấy đi cầu. Một khi đã sống tiện nghi trên đất Mỹ, bị tù đầy là địa ngục.

Nhìn người bạn đã trả một giá quá đắt để đến thăm tôi, lòng tôi thật ái ngại, tôi thương bạn, nói không nên lời. Thấy bạn mệt, tôi không nói nhiều. Chúng tôi đã dành cả một buổi chiều, ngồi bên nhau, và nhìn nhau im lặng.  Rusty hiểu nỗi đau đớn của hai cái chân gẫy, còn tôi, thông cảm sự không may xảy ra cho anh khi đi thăm tôi. Trong cái tĩnh không đó, tôi bỗng nhận ra tình bạn bao la, một khi đã sống và thông cảm nhau, thì màu da, màu mắt không còn là biên cương xa cách. Chúng tôi thương mến nhau vì hiểu nhau, chia sẻ sự sống, cái chết trong chiến tranh. Quí mến nhau và hãnh diện bên nhau trong cuộc đời. Thật đúng là câu nói mà bây giờ tôi mới cảm nhận sâu xa thấm thiá: “ Năm Châu, Bốn Bể Đều Là Anh Em”.  Sau hết với tôi, tôi phải nói thế này:

Sau cơn mưa trời lại bão, và sau cơn bão may ra trời mới sáng.

Tôi đã may mắn sống  thoát một cách tài tình qua hai cơn tai nạn, nhưng phải trả giá cho đau đớn và nhiều gian truân, bất hạnh, vì biết rằng mình đã tạo nên nhiều nghiệp chướng trong cuộc đời, cái giá quá cao phải trả cho cái vòng Nhân Quả. Nhưng qua cái đớn dau khổ sở của con người, tôi bỗng tìm được tình thương nơi bạn bè, nơi những người thân quen, và nhất là tôi tìm thấy sự nhẫn nhục và thương tôi của người vợ khắc khẩu, đã lấy tôi và đẻ cho tôi bốn đứa con ngoan, nhưng mỗi khi thấy mặt vợ, thì tôi lại đầy ruột chỉ muốn gây. Thôi thì thôi thế là Duyên Nợ, tôi đành dắt tay người vợ gây này đi cho hết cuộc đời. Một lần nữa, tôi xin ghi nhận lòng thương yêu của quí vi, và kính xin quí vị nhận cho lòng biết biết ơn thành thật của tôi. Phần tôi, tôi cũng xin được hãnh diện để nói rằng:” Dù nghiệp nặng bao nhiêu, tôi cũng cố trả, và với lòng thương yêu của quí vị, tôi luôn luôn cố gắng bản thân để sống cho ra con người, dù rằng con người tôi không còn bao nhiêu để sống, vì 70 rồi, Trời ạ!”.

Noel 2011, năm mới 2012.
Great Falls, Virginia.
Đinh Hùng Cường & Ngọc Trâm.

Không có nhận xét nào: