Đáy

Phẫn nộ
“...Nhưng những thằng trí thức Việt Nam vẫn không nộ. Chúng nó không dám phẫn nộ. Muốn phẫn nộ phải có tư cách...”
Hắn là một giáo sư tiến sĩ nổi tiếng là giỏi và đứng đắn. Vợ hắn kinh doanh nhà đất rất thành công. Mỗi lần rảnh rỗi hắn đều đến

thăm tôi, một thằng bạn cũ tầm thường. Chúng tôi là bạn thân hồi trung học. Hắn giầu sang nhưng không đổi bạn; đó là điều phân biệt hắn với những người thành đạt khác. Nhưng từ hơn một năm nay sau đại hội đảng 11 hắn tỏ ra bất mãn, từ chức viện phó và phát biểu ngoài luồng. Lý do bất mãn của hắn khá hiển nhiên, hắn hụt vào Trung Ương Đảng. Đây là lần thứ hai hắn hụt vào TƯĐ, và cũng là lần cuối bởi vì tới năm 2016 hắn đã ngoài 60 và quá hạn tuổi để ứng cử. Hơn nữa, theo hắn tới lúc đó đảng cũng chưa chắc vẫn còn. Hắn là một nhân vật xuất chúng và sự xuất chúng này thể hiện ngay trong cách bất mãn của hắn. Hắn có cả một lý thuyết về sự phẫn nộ.

Hắn nói:
-Phẫn nộ là động cơ của thay đổi và tiến bộ. Có phẫn nộ mới có đủ quyết tâm phấn đấu. Còn nếu cứ bất mãn chung chung thì vẫn tiếp tục lèm bèm. Lê Lợi khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh đâu phải chỉ vì bất mãn mà vì phẫn nộ đến cùng độ. Mày còn nhớ Bình Ngô Đại Cáo không? “ngẫm non sông quên nỗi thế thù, thề sống chết cùng quân nghịch tặc. Đau lòng nhức óc chốc là mười mấy nắng mưa, nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận.” Ngôn ngữ dân gian gọi là giận điên lên. Nếu chỉ bất mãn vì quân Minh cho mình làm tri huyện thay vì tri phủ thì cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Mùa xuân dân chủ Ả Rập sở dĩ có được là vì người Ả Rập phẫn nộ vùng dậy thề sống chết cùng bọn độc tài. Việt Nam không có thay đổi vì người Việt Nam không phẫn nộ.

Như thường lệ trong mọi đối thoại giữa chúng tôi, hắn nói tôi nghe và thỉnh thoảng nói leo như để chứng minh rằng tôi vẫn nghe và hắn có thể tiếp tục nói:

-Đúng vậy, người Việt Nam không bất mãn, một cuộc thăm do dư luận cho thấy người Việt lạc quan nhất thế giới.

Hắn xua tay:
-Mày chẳng biết gì cả. Người Việt Nam là vua nói dối. Nói vậy chứ không phải vậy đâu. Quần chúng Việt Nam tức tối lắm, căm thù lắm, muốn “phanh thây uống máu quân thù” lắm. Mày thử nghĩ lại xem trong đợt Cải Cách Ruộng Đất ngày xưa, nhân dân ta gào thét mắng chửi, đánh đập dã man -“đọa đầy chết thôi” theo lời kêu gọi của Xuân Diệu- cả những địa chủ mà họ chỉ biết là thuộc thành phần địa chủ chứ không hề quen biết. Mỗi người Việt Nam là một núi lửa căm thù dồn nén. Tao bảo đảm với mày là bây giờ mà có một cuộc cách mạng sẽ có một biển máu nếu chính quyền mới không cảnh giác. Người Việt Nam không lạc quan hân hoan, họ bi quan và tức tối. Họ không phẫn nộ chỉ vì trí thức Việt Nam không phẫn nộ.

Tôi đang định chất vấn hắn, lần này không phải nói leo mà chất vấn hẳn hoi. Hắn chặn lại:
-Im mồm! Tao biết mày định nói gì rồi. Mày muốn nói tại sao tao nói người Việt Nam không phẫn nộ rồi lại nói họ tức tối căm thù, mày muốn nói là tao mâu thuẫn chứ gì. Mày phải hiểu là thù ghét không đồng nghĩa với phẫn nộ. Muốn phẫn nộ phải có chính nghĩa. Mày có thể ghen tức với những thằng có bằng cấp và địa vị cao như tao nhưng cho ăn kẹo mày cũng không thể phẫn nộ vì đó chỉ là lẽ phải, tao học và làm giáo sư tiến sĩ còn mày không học thì có được quán cà phê cũng là phúc đức lắm rồi.

-Không đúng! Tôi la lên. Có những thằng còn ít học hơn tao mà làm đại tướng, bộ trưởng, kể cả thủ tướng!

-Im! Đừng nói leo! Mày đéo hiểu gì cả. Câm mồn để tao giảng cho nghe. Người ta uất ức căm thù khi quyền lợi bị đụng chạm nhưng người ta chỉ có thể phẫn nộ khi lẽ phải bị chà đạp. Như vậy phải biết lẽ phải là gì mới có thể phẫn nộ, và cũng chỉ dám phẫn nộ nếu thấy có thế mạnh, hoặc có dái. Chưa có “mùa xuân Việt Nam” vì dân chúng Việt Nam chưa phẫn nộ, và dân chúng Việt Nam chưa phẫn nộ chừng nào trí thức Việt Nam chưa phẫn nộ.

Đến đây thì tôi thực sự ngu ngơ không còn biết nói gì. Hắn giảng giải:

-Lịch sử Việt Nam có cái độc đáo là những cuộc cách mạng đều do đám nông dân chứ không do trí thức. Nhưng thời đại của những anh hùng áo vải qua rồi. Cách mạng thời nay phải do trí thức lãnh đạo. Khổ một nỗi là trí thức Việt Nam không phẫn nộ nên đếch làm được gì. Có phẫn nộ mới đấu tranh, mới quyết tâm, mới “thề sống chết cùng quân nghịch tặc”, rồi mới thấy công việc là khó, mới “sách lược thao suy xét thật tinh”, mới nhẫn nhục tìm đến với nhau xây dựng lực lượng. Nhưng bọn trí thức Việt Nam không phẫn nộ. Vì chúng nó không biết phẫn nộ chứ không phải vì không có lý do để phẫn nộ.

Hắn im lặng một lúc như vì xúc động rồi nói tiếp:
-Đáng lẽ phải phẫn nộ. Đảng cầm quyền gần bốn mươi năm chỉ khiến Việt Nam nghèo gấp mười lần mức trung bình thế giới. Mất đất thì nói không biết cột mốc biên giới bị dời vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam lúc nào. Nó giết ngư dân mình thì không dám nói là tàu Trung Quốc mà chỉ nói là “tàu lạ”. Tổ cha nó, “tàu lạ” là cái đéo gì? Thế mà vẫn đòi lãnh đạo độc quyền, tuyệt đối, vô hạn định. Đáng phẫn nộ lắm chứ. Nhưng những thằng trí thức Việt Nam vẫn không nộ. Chúng nó không dám phẫn nộ. Muốn phẫn nộ phải có tư cách. Bọn trí thức Việt Nam có bản chất tay sai, càng danh phận cao bao nhiêu càng vô tư cách bấy nhiêu. Mao nói đúng, trí thức Việt Nam và Trung Quốc không bằng cục phân.

Hắn nói hăng đến nỗi tôi không dám hỏi tại sao chính hắn không phẫn nộ, ít nhất với chính mình, vì chính hắn cũng là một trí thức lớn. Tôi nghĩ có lẽ phải đợi một thời gian. Nhưng rồi mãi vẫn chưa thấy hắn phẫn nộ. Hỏi ra mới biết vì vợ hắn chưa cho phép.

Đáy

Không có nhận xét nào: